Lao động trái phép ở Malaysia đổ xô về nước

Một nhà hoạt động xã hội người Indonesia biểu tình bên một tấm áp phíc trước sứ quán Malaysia ở Jakarta.
Hơn một nghìn đàn ông, đàn bà, tay mang lỉnh kỉnh túi xách, quà cáp, chen nhau mua vé xuống phà Port Klang để trở về đảo Sumatra của Indonesia. Khoảng một nghìn người khác xếp hàng tại một địa điểm gần đó để đăng ký lên một trong hai chiếc tàu của hải quân Indonesia chở họ tới Java.
“Tôi buồn lắm nhưng vẫn phải về thôi, bởi không muốn bị đánh đòn hoặc vào nhà giam. Chắc chắn là tôi sẽ trở lại với đầy đủ giấy tờ. Ở nhà làm gì có việc mà làm”, Mohamad Sifud, 30 tuổi, từng làm công nhân xây dựng bất hợp pháp ở Malaysia 10 năm qua, than phiền.
Mặc dù thiếu nhân công trầm trọng trong một số ngành, Malaysia tuyên bố không gia hạn thời gian ân xá thêm nữa. Nước này đã nhiều lần lùi hạn chót của chiến dịch truy quét lao động nước ngoài bất hợp pháp kể từ tháng 10 năm ngoái.
“(Chúng tôi) đã nói đủ rồi. Tôi hy vọng các nhân công trái phép sẽ suy nghĩ nghiêm túc và về nước hôm nay”, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Azmi Khalid nói.
Các quan chức nhập cư Malaysia ước tính riêng ngày hôm nay có khoảng 12-15.000 người về nước. Trước đó, gần 400.000 người đã hồi hương trong thời gian ân xá.
Lao động trái phép nếu bị bắt sẽ chịu phạt tiền, bị giam, có thể bị đánh roi và trục xuất. Họ sẽ không bao giờ được phép nhập cảnh vào Malaysia, kể cả với tư cách khách du lịch. Malaysia và Indonesia đã ký thoả thuận cho phép các nhân công tự nguyện về nước được trở lại làm việc nếu có đủ giấy tờ.
Tuy thế, bất chấp những lời đe doạ, có tới nửa triệu nhân công không giấy tờ được dự đoán là vẫn ở lại Malaysia. Họ sẽ là mục tiêu trong chiến dịch bắt đầu từ ngày mai, với sự tham gia của 300 nghìn quan chức, cảnh sát và tình nguyện viên nước sở tại.
“Người ta đã hỏi tôi rất nhiều lần rằng tối có sợ bị bắt, bị giam hay không… Có, tôi sợ lắm nhưng không có cách nào khác”, Alia Shukri, đến từ một ngôi làng hẻo lánh gần Bali, nói. “Tôi có 3 con, và chắc chắn là không thể kiếm đủ ăn nếu tôi về nhà”.
Alia đến Malaysia bằng visa du lịch gần một năm trước, và kiếm được việc lau sàn nhà ở ngoại ô Kuala Lumpur. Chị được trả 210 USD mỗi tháng, trong khi nếu làm công việc đó ở nhà thì chỉ kiếm được chưa đầy 30 USD.
Một công nhân xây dựng tên là Safuan 45 tuổi cho biết anh làm việc bất hợp pháp ở Malaysia đã hai năm, và tin chắc sẽ không bị bắt. 
“Tôi là một gã nghèo khổ chỉ lo làm công việc của mình, không gây phiền hà cho ai”, Safuan nói và tiết lộ rằng anh sẽ tạm nghỉ việc cho đến khi nào “tình hình đỡ căng thẳng”.
T. Huyền (theo STI, Manila Times)
Close [X]
1gom
1gom