Viêm da do mỹ phẩm

đ
Bút tô mí mắt và tô lông mi có thể gây viêm da kích ứng.

Viêm da do mỹ phẩm được chia làm 3 loại chính:
1. Viêm da tiếp xúc kích ứng
– Thường gặp ở người có cơ địa nhạy cảm. Thủ phạm gây viêm da loại này là các chất kiềm hay axit, chất tẩy rửa, chất bảo quản, chất khử mùi trong mỹ phẩm.
– Biểu hiện: Sau khi sử dụng mỹ phẩm vài phút đến vài giờ (đôi khi muộn hơn), vùng da tiếp xúc với mỹ phẩm rát bỏng hoặc ngứa nhẹ, sau đó đỏ lên, phù nề; nặng thì có thể có bóng nước. Mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào từng người, tùy tình trạng da của bệnh nhân khi dùng mỹ phẩm. Da khô và dày sẽ phản ứng ít hơn da mỏng và nhạy cảm.
2. Viêm da tiếp xúc dị ứng
– Xuất hiện sau khi bệnh nhân dùng mỹ phẩm vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm. Lúc đầu, mỹ phẩm không gây một sự thay đổi nào cho da; nhưng khi bệnh nhân sử dụng nhiều lần, liên tục thì phản ứng viêm da xuất hiện.
– Thủ phạm hàng đầu gây viêm da dị ứng là hương liệu, thứ hai là chất bảo quản (dùng để diệt vi sinh vật và tránh hỏng mỹ phẩm, có trong hầu hết các loại mỹ phẩm) và thứ ba là chất PPDA trong thuốc nhuộm tóc.
– Biểu hiện: Sau khi tái sử dụng mỹ phẩm 24-72 giờ, da bị ngứa, đỏ, có thể có mụn nước dạng eczema. Tổn thương da xuất hiện ở vùng tiếp xúc với mỹ phẩm hoặc xa hơn. Ví dụ: Bệnh nhân bị viêm da do dị ứng với nhựa sulfonamide – formaldehyde trong thuốc sơn móng tay, móng chân cũng có thể bị tổn thương da ở quanh mi mắt hoặc cổ.
3. Viêm da do mẫn cảm với ánh sáng
– Xảy ra sau khi người dùng mỹ phẩm tiếp xúc với ánh sáng có bước sóng và cường độ đặc biệt (thường là UVA, UVB). Thủ phạm chính là các chất có nguồn gốc từ than đá (coal tar) trong thành phần của một số mỹ phẩm.
– Biểu hiện: Bỏng nắng, đỏ da, căng rát, nặng thì có thể có bỏng nước, rồi gây sạm da. Hầu hết bệnh nhân bị sạm da dần dần mà không hề đỏ da trước đó. Vị trí tổn thương thường là các vùng hở có dùng mỹ phẩm như mặt, cổ, tay.
Xử trí khi bị viêm da do mỹ phẩm:
– Dừng tất cả các loại mỹ phẩm đang dùng.
– Tốt nhất là đến khám chuyên khoa da liễu hoặc dị ứng để kiểm tra tất cả các loại mỹ phẩm đã được sử dụng. Bác sĩ sẽ cho bạn làm test áp da tìm dị nguyên gây dị ứng và hướng dẫn cách điều trị.
– Tránh dùng tất cả các loại mỹ phẩm trong 6-12 tháng. Sau đó có thể dùng một số mỹ phẩm khác, nhưng nên hạn chế đến mức tối đa.
– Trước khi dùng bất kỳ loại mỹ phẩm nào, nên bôi thử vào mặt trong cẳng tay ngày một lần trong vài tuần, nếu không xảy ra phản ứng gì thì có thể dùng được.
Thạc sĩ Phạm Thị Lan, Sức Khỏe & Đời Sống 
 
 

Close [X]
1gom
1gom