Tinh tế bánh bột

Bánh khoái
Bánh khoái.

Bánh chiên được nhiều người biết là bánh khoái và bánh xèo, cả hai loại bánh này đều dùng bột gạo để chiên.
Bánh khoái nhân ngoài tôm thịt còn có gan heo và nước chấm là nước lèo chế biến từ gan thịt heo băm. Bánh có xuất xứ ở khu vực lân cận đèo Hải Vân. Còn bánh xèo thì hầu như ở tỉnh nào, vùng nào của Nam bộ cũng đều có mặt, cách chế biến gần như đồng nhất, thành phần chủ yếu là thịt ba rọi, tép bạc đất, giá, đậu xanh làm nhân. Còn phần vỏ bánh là bột gạo pha loãng với chút màu nghệ vàng tươi, sau này do thị hiếu một số nơi bán bánh xèo ở Sài Gòn pha thêm hột gà vào bột cho bánh vừa thơm ngon và béo hơn, nhưng đồng thời cũng mau ngán hơn.
Nam bộ còn có một loại bánh chiên đặc biệt, đó là bánh khọt, thứ bánh này ban đầu được chiên bằng những khuôn đất nhỏ, mỗi lần đổ được khoảng chục cái nhỏ. Nhưng qua thời gian, đời sống công nghiệp đã ảnh hưởng đến cái món bánh dân dã bán trong thôn xóm để ăn chơi, ăn giữa buổi này. Bây giờ khuôn bánh khọt làm bằng inox, mỗi mẻ cũng non 50-70 cái/khuôn. Bột để đổ bánh cũng từ gạo có pha nghệ, nhân gồm giá, đậu xanh và một con tép nhỏ trên mặt, có nơi còn cho thêm tí nước cốt dừa trong bột hoặc trên mặt bánh. Tuy nhiên bánh khọt ở một số vùng duyên hải từ Nha Trang trở vào còn gọi là bánh căn, bột không pha màu nghệ mà để trắng, cũng đổ trong khuôn đất y như bánh khọt nhưng nhân bánh là những loại cá biển như ngừ, nục kho, khi ăn chan lên bánh. Thứ bánh này thường được những người bán rong gánh dọc theo bờ biển nơi làng chài để bán cho dân cư tại đây. Nước chấm của bánh khọt thường là nước mắm pha, nhưng đặc biệt vùng Châu Đốc là xứ sở của mắm nên bánh khọt được một số người thích ăn với mắm nêm hơn.
Các loại hấp có phần phong phú hơn các món bánh chiên, nào là bánh cuốn, bánh đúc, bánh bèo chén, bánh bột lọc, bánh bèo bì, bánh tằm bì,… Riêng món bánh bèo có nhiều biến thể hơn các loại bánh hấp khác. Hành trình của nó khá dài: Ở miền Trung bột gạo được đổ trong chén hấp chín ăn với nước lèo nấu từ thịt, gan băm và nước mắm y. Riêng ở Huế, kiểu bánh bèo chén mỏng manh hơn, dịu dàng hơn với ít nhụy tôm đỏ tươi rắc lên mặt bánh trắng phau như muốn điểm xuyết cho món ăn thanh cảnh này. Nước mắm phải trong vắt, ngọt thanh, ăn vài cái bánh bèo húp cả nửa chén nước mắm mà vẫn chưa đã thèm cái hương vị của nước mắm. Vào đến miền Nam, bánh bèo trở nên nhỏ nhắn hẳn, vừa một miếng ăn. Trong từng chiếc bánh lại có thêm chút đậu xanh đánh nhuyễn thơm lừng, béo ngậy và tôm khô xay nhuyễn. Vùng Bình Dương, Lái Thiêu, bánh bèo nhất định phải có bì mới đúng điệu nghệ của nó. Bánh bèo ở miền Nam còn được pha thêm đường thẻ vào trong bột, nhân cũng là miếng đậu xanh đánh nhuyễn, chan chút nước cốt dừa thắng bồng con và nó trở thành món tráng miệng. Thường nơi nào bán bánh bèo hay kèm theo bánh tằm bì, theo chị Hồng – chủ quán chuyên bán các loại bánh khọt, bánh bèo, bánh tằm bì trên đường Sương Nguyệt Anh, quận1 lý giải – vì các thứ bánh này làm theo gu Nam bộ, món nào cũng sử dụng nước cốt dừa và nước mắm giống nhau nên bán đủ thứ cũng không mất công, mà khách có nhiều món ăn để lựa chọn. Hay như chủ quán bánh khọt Bà Rịa trên đường Nguyễn Tri Phương quận10 cho biết nhờ rau, nước mắm và nhất là cái giòn tan, càng nhai càng đã miệng lại không nhiều dầu mỡ của bánh khọt, bánh xèo nên nhiều khách Âu, Á đã bị lôi cuốn đến thưởng thức.
Song song với các loại bánh làm từ bột gạo trong món ăn Việt, thì món ăn Hoa cũng có khá nhiều loại bánh cũng làm từ bột gạo như há cảo, bánh xếp, bánh hẹ, bánh củ cải… Nhưng nhân các loại bánh này đa số sử dụng thịt, hoặc thịt pha tôm, cua. Lớp bột chỉ có nhiệm vụ bọc ngoài bánh nên mỏng, ít. Trong khi đó các loại bánh bột Việt Nam thì thành phần bột gạo là chính, tùy loại bánh mà pha nước vào nhiều hay ít và trong bột dằn một tí muối là đủ. Còn thịt, tôm chỉ dùng để điểm xuyết, nhấn nhá thêm hương vị.
Nước mắm là một thành phần quan trọng không thể thiếu trong các loại bánh và lượng dùng khá nhiều chan vào bánh hoặc chấm. Còn ở các loại bánh Hoa thì nước tương chỉ để chấm với số lượng ít.
Điểm đặc trưng của các loại bánh Việt là rau thơm gần như có đủ loại, nếu là bánh chiên thì rau thơm và cải dùng để cuốn càng được dùng nhiều hơn. Có thể vì những đặc điểm trên mà bánh bột của chúng ta được ăn vào bất cứ lúc nào trong ngày và không bị ngán. Trong khi đó há cảo, bột chiên khó lòng ăn nhiều vì quá ngậy.
Những món bánh khọt với một thứ nhân ban đầu nay được thêm nào là nhân mực, sò điệp… hay như bánh xèo Việt Nam đã được nhiều cường quốc ẩm thực như Pháp, Nhật ưa chuộng vì nó có thêm rau cải thích hợp với xu hướng ẩm thực hiện đại mà những loại bánh crêpe của món Âu không có được. Những thứ bánh đơn giản, không cầu kỳ từ nguyên liệu đến cách chế biến càng cho thấy sự đơn giản, mộc mạc lại chính là cái tinh tế, sâu sắc của nền văn hoá ẩm thực Việt đã chọn lọc qua bao đời nay. Nó chính là cái vốn văn hoá quý báu mà chúng ta đang thừa hưởng và cần được phát huy.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

1gom