Ai có thể lãnh đạo Afghanistan?

abd-1348604727_480x0.jpg
Bộ trưởng ngoại giao Liên minh phương Bắc Abdullah Abdullah.

Muhammad Zahir Shah
Người dân tộc Pashtun. Quốc vương Afghanistan từ năm 1933 đến năm 1973, hiện sống lưu vong ở Italy. Ông tuyên bố sẽ về nước “nếu điều đó có ích cho nhân dân”. Zahir Shah có tư tưởng tiến bộ, nhất là trong vấn đề nhân quyền, nhưng đã quá già yếu. Một số người cho rằng ông có thể làm Chủ tịch lâm thời của Afghanistan thời hậu Taliban. Tuy nhiên, nếu về nước, chắc chắn Zahir Shah sẽ theo đuổi ý tưởng của mình, là thành lập Loya Jirga (Hội đồng tối cao). Hội đồng này sẽ quyết định việc thành lập chính phủ liên minh thời kỳ chuyển giao, chính phủ đó có sự tham gia của những người Taliban ôn hòa.
Pir Sayed Ahmad Gailani

gailani-1348604728_480x0.jpg
Gailani, ủng hộ viên của vua Shah.

Chính trị gia người Pashtun. Lãnh tụ Mặt trận Hồi giáo Quốc gia Afghanistan (NIFA), nhóm kiều dân Afghanistan lớn nhất.
Thành viên của NIFA là những người Pashtun chống Taliban. Lực lượng này có vai trò tối quan trọng trong liên minh những nhóm kiều dân Afghanistan. Hiện NIFA đóng tại thành phố Peshawar (Pakistan).
Gailani có quan hệ thân thiết với cựu vương Zahir Shah. Cũng như vua Shah, Gailani ủng hộ việc đưa những người Taliban ôn hòa vào chính quyền mới. Và tất nhiên, ông muốn mình giữ một cương vị cao trong chính quyền đó.
Ismail Khan

a1-1348604728_480x0.jpg
Ismail Khan, người chiến binh suốt đời trên lưng ngựa.

Địa chủ, người Tajikistan. Nguyên thống đốc Herat (khu vực miền tây Afghanistan). Từng nổi tiếng trong cuộc chiến chống lại Liên Xô, đến nay, Khan vẫn có trong tay một quân đội nhỏ, hoạt động ở vùng tây bắc đất nước. Quân của Khan đang chiến đấu để giành lại Herat với sự giúp đỡ của Iran. Về danh nghĩa, họ là một cánh trong Liên minh phương Bắc. Tuy nhiên, Khan không giữ vai trò điều phối trong cuộc chiến của liên minh với phe Taliban.
Saeed Hussain Anwari
Địa chủ, người Hazara. Chủ tịch đảng Harakat-i-Islami (một đảng theo Hồi giáo Shiite). Anwari tuyên bố sẽ không vào Kabul chừng nào Loya Jirga chưa được thành lập. Giải thích quyết định này, ông nhắc lại quá khứ sau chiến tranh với Liên Xô, khi các phe phái du kích cùng tiến về Kabul và phá hoại thủ đô. Quân đội của Anwari đang chiến đấu trong Liên minh phương Bắc.
Abdullah Abdullah
Người Tajikistan. Bộ trưởng ngoại giao Liên minh phương Bắc, một trong những người phát ngôn chủ đạo của liên minh. Abdullah tuyên bố: “Không có người Taliban nào ôn hòa. Khái niệm “ôn hòa” không thể áp dụng với các thành viên chế độ Taliban. Nội dung hoạt động của phái này chỉ có các hành động bạo tàn và khủng bố”. Ý kiến của ông phản ánh quan điểm cứng rắn và không thỏa hiệp với Taliban của bộ phận đầu não trong Liên minh phương Bắc. (Bộ phận này bao gồm những người Tajikistan có thế lực như cựu tổng thống Burhanuddin Rabbani và tư lệnh Mohammad Qasim Fahim).
Burhanuddin Rabbani
Người Tajikistan. Nguyên tổng thống Afghanistan dưới thời mujahideen (chiến binh Hồi giáo), tức là thời kỳ các phe phái du kích tranh giành quyền lực sau khi Liên Xô rút quân. Rabbani nhậm chức năm 1992 và bị Taliban lật năm 1996. Chính phủ lưu vong của ông vẫn được Liên Hợp Quốc công nhận là chính quyền hợp pháp của Afghanistan. Hiện Rabbani là lãnh tụ Liên minh phương Bắc về mặt chính trị.
Mohammad Qasim Fahim
Người Tajikistan. Tư lệnh Liên minh phương Bắc (tổng chỉ huy quân đội). Ông được bổ nhiệm vào chức vụ này để thay thế tướng Ahmed Shah Masood bị ám sát hôm 9/9. Fahim là một “chân vạc” trong liên minh tam hùng Tajikistan. Bộ ba này vừa nổi lên trên tuyến đầu của Liên minh phương Bắc sau khi Shah Masood chết. Hai “chân vạc” kia là bộ trưởng ngoại giao Abdullah Abdullah và bộ trưởng nội vụ Younus Qanooni (giữ vai trò mờ nhạt hơn).
Abdul Rashid Dostum
Địa chủ, người Uzbekistan. Dostum rất giàu và có thế lực, thống lĩnh một lực lượng lớn chống lại Taliban trên danh nghĩa Liên minh phương Bắc. Đây là một nhân vật gây tranh cãi: Dostum từng đứng bên Liên Xô trong cuộc chiến tranh 1979 – 1989, giao tranh với lực lượng chiến binh Hồi giáo của Ahmad Masood, và hình như quân đội của ông ta đã dính vào một số vụ thảm sát tai tiếng trong thời kỳ đó.
Abdul Karim Khalili
Địa chủ, người Hazara. Chỉ huy nhóm vũ trang Hezb-e-Wahdat chiến đấu trong Liên minh phương Bắc. Quân của Khalili là một trong những cánh mạnh nhất, gồm toàn người thiểu số Hazara. Cộng đồng Hazara theo Hồi giáo Shiite nên mâu thuẫn kịch liệt với phe Taliban theo Hồi giáo Sunnite. Có tin đồn rằng Taliban đã nhiều lần thảm sát dân Hazara.
Gulbudin Hekmatyar
Địa chủ, người Pashtun. Nguyên lãnh tụ đảng Hồi giáo Hezb-e-Islami (khá cực đoan), cũng là thủ tướng Afghanistan thời kỳ sau khi Liên Xô rút quân. Trong những năm 1992 – 1993, Hekmatyar nổi tiếng vì đã cho quân bắn tên lửa và súng cối vào thủ đô Kabul. Hiện ông sống lưu vong ở Iran. Ông từng ca ngợi Taliban và đã nhiều lần đề xuất tổ chức đàm phán giữa chính quyền Iran và Taliban. Hekmatyar lên án ý định của Mỹ – đưa cựu vương Zahir Shah về nước để bàn việc thành lập chính phủ liên minh thay thế Taliban. Đảng Hezb-e-Islami của ông đã chia rẽ vì vấn đề này, bởi đại diện của nó ở Pakistan là Qazi Amin Wiqad lại rất ủng hộ đức vua trở về.
Wakil Ahmed Mutawakil
Người Pashtun. Bộ trưởng Ngoại giao Taliban. Đây là nhân vật nổi bật nhất trong các nhà lãnh đạo được xem là ôn hòa của phe Taliban. Có tin ông đã bí mật bỏ phái này, tìm đường sang Pakistan. Tuy đó chỉ là lời đồn không cơ sở, nhưng cũng phản ánh ý kiến trong dư luận cho rằng Mutawakil có vẻ ít cực đoan và sẵn sàng đàm phán hơn so với những quan chức bảo thủ, cứng rắn của Taliban. Có lẽ ông sẽ là cây cầu nối giữa Taliban và chính phủ liên minh sau này.
Mullah Mohammad Omar
Người Pashtun. Lãnh tụ tinh thần của Taliban, sống ẩn dật, khép kín. Omar công khai liên kết với phần tử Hồi giáo cực đoan Osama bin Laden bằng việc cưới con gái bin Laden làm vợ. Các quan điểm và chính sách của Omar rất cứng rắn và cực đoan đến mức cuồng tín. Do giữ quan hệ với những phần tử khủng bố quốc tế, ông khó có thể được mời tham gia quá trình đàm phán thành lập chính quyền mới ở Afghanistan.
Đoan Trang (theo Christian Monitor)

1gom