Kim Dung: ’Sở trường của tôi là làm báo’

Nhà văn Kim Dung.
Nhà văn Kim Dung.

– Sau những năm 50, sáng tác của ông đã rất có ảnh hưởng, tại sao ông còn muốn làm báo?
– Người ta biết đến tôi là nhà tiểu thuyết võ hiệp, thực ra nghiệp vụ tôi sở trường nhất là làm báo. Phiên dịch, biên tập tôi cũng đều làm, sau còn làm tổng biên tập nữa. Tôi làm báo đã được dăm sáu chục năm, bắt đầu từ năm 1946 và chưa lúc nào ngừng. Lúc đầu tôi làm báo là muốn làm một tờ báo tiếng Trung lớn nhất và hay nhất thế giới.
– Tờ Đại Công Báo đã có ảnh hưởng gì đến bản thân ông?
– Tôi luôn ghi nhớ những bài học hồi ở Đại Công Báo. Đã làm báo là phải nói thật, không giả dối, không lừa bịp. Không thể lừa bịp bạn đọc được. Nếu lừa bịp mà cũng kiếm được tiền thì hà tất phải làm báo? Báo là tai mắt của nhân dân, là tiếng nói của nhân dân. Cái gì dân không thấy thì báo giúp họ thấy, báo giúp họ nói lên tiếng lòng của họ. Làm một phóng viên lấy tin, cần phải có lương tâm. Điều này rất khó, không chắc gì đã làm được, vì vậy phải có sức đề kháng khi gặp phải sự dụ dỗ.- Bộ tiểu thuyết võ hiệp ông đọc đầu tiên là “Hoang giang nữ hiệp”. Một thế hệ tác giả võ hiệp lúc ấy đã ảnh hưởng đến ông như thế nào?
– Từ nhỏ tới lớn, việc tôi yêu thích nhất là đọc sách. Nếu cho tôi lựa chọn, hoặc ngồi tù 10 năm nhưng ngày nào cũng được đọc sách, hoặc được tự do nhưng cấm đọc sách thì nhất định tôi chọn ngồi tù. Có thể mất tự do mười năm, nhưng mười năm không đọc sách thì tôi không tài nào chịu đựng nổi. Tôi đọc sách không tính toán thiệt hơn, thích là đọc, không cho cũng lén đọc những quyển yêu thích nhất.
Nếu hỏi loại sách nào có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi thì đó là tiểu thuyết võ hiệp. Ngay từ nhỏ tôi đã thích Hoang giang nữ hiệp, đó cũng là bộ truyện tôi đọc sớm nhất. Tôi thích hai nhà văn là Bạch Vũ và Hoàn Châu Lâu Chủ, văn họ viết rất hay, trí tưởng tượng cũng tốt, lãng mạn, câu chuyện kể rất hợp tình hợp lý, một số tình tiết rất hiếm lạ, có sức hấp dẫn lớn đối với thanh niên.- Từ đầu thế kỷ XX đến những năm 70, báo đăng tiểu thuyết dài kỳ đạt tới mức huy hoàng nhất, còn bây giờ thì ít đi rất nhiều. Nếu bây giờ ông mới sáng tác, liệu ông có sáng tạo nên truyền kỳ Kim Dung?
– Năm ấy Hong Kong làm báo, “công” về mặt tin tức, “thủ” ở phụ trương. Báo đăng tin lớn, có thể bán tới 150.000 tờ, viết càng kỹ, bán càng chạy. Phụ trương có truyện hay, cũng lôi kéo được bạn đọc, hôm nay đọc rồi, ngày mai phải đọc tiếp xem Hoàng Dung, Quách Tĩnh ra sao. Đăng tin thì không có ưu thế như vậy, cho nên (công) chiếm được trận địa rồi còn phải biết giữ (thủ) một phần. “Công” bán được thêm 50.000 tờ, hôm sau đã ế 50.000 tờ, thậm chí ế 60.000 tờ là thất bại. Bởi vậy có “công” có “thủ” thì báo mới đứng vững và phát triển. Tin hay không phải ngày nào cũng có, nhưng phụ trương hay thì ngày nào bạn đọc cũng phải mua báo.
Bạn đọc thường gửi thư cho tác giả, người làm báo được khích lệ. Bạn đọc nào gửi thư phê bình viết không hay, không chặt chẽ thì tôi đều căng thẳng khi nhận được thư đó, nhưng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của bạn đọc.- Ông thấy vinh dự khi đứng ở hàng ngũ nhà văn nào?
– Nhà văn càng có nhiều bạn đọc thì càng tốt. Không nên chia thành nhà văn cao nhã và nhà văn thông tục. Chẳng hạn thơ Đường, lúc đầu cũng thế. Sau vì đi thi có hỏi về thơ nên thơ Đường mới có địa vị cao. Từ đời Tống cũng vậy. Từ vốn được ca nữ đem ra hát khi người ta uống rượu, nhưng về sau tể tướng, vua đều sáng tác từ, địa vị của từ được nâng cao. Đương thời có Hồng lâu mộng, Thủy hử, Tam quốc diễn nghĩa… địa vị không cao, là văn học thông tục, nhưng đến khi được đông đảo tiếp nhận thì quan niệm văn học cũng thay đổi theo. Văn học Trung Quốc là như thế.
(Theo Lao Động)

Close [X]
1gom
1gom