“Nghi số” 197 trong vụ trộm cổ vật ở Kon Tum

Sáng qua, 15/1, điều tra viên Trần Văn Đoạt cho biết đã thu hồi được 39 chiếc chiêng. Số này do hai nhóm 7 phụ nữ ngụ tại Kon Hra Chót, Kon Tum Knâm (phường Thống Nhất, thị xã Kon Tum) bán lại với giá phế liệu. Trước cơ quan điều tra, họ không nói chính xác được thời điểm phạm pháp. Vài người chỉ mang máng nhớ là đã lấy trộm vào “buổi trưa một ngày nghỉ”, khi thấy cửa kho hiện vật của Bảo tàng Kon Tum khép hờ. Họ thuật lại rằng đã chuyển cổ vật ra ngoài bằng gùi, qua cổng chính phía đường Bà Triệu, trục đường trung tâm của thị xã.
Trong khi đó, bảo vệ Nguyễn Quang Thái tường trình rằng anh phát hiện ra việc mất trộm vào rạng sáng 10/12/2001. Vậy “trưa một ngày nghỉ” có phải là vào thứ bảy, ngày 9/12/2001? Dấu vết tại hiện trường còn đặt nghi vấn: Tại sao tên đạo chích đã kỳ công cạy được cửa phòng làm việc của Giám đốc Nguyễn Xuân Hòa… rồi thôi, dù bên trong có nhiều thiết bị đắt tiền?
176 hiện vật ở nhà một ông già 85 tuổi
Điều tra viên Trần Văn Đoạt cho biết, ngày 9/1, khi khám xét khẩn cấp nhà ông Nguyễn Long, 24 Cao Bá Quát, Kon Tum, cơ quan chức năng đã lập biên bản thu hồi 176 hiện vật, chủ yếu là cồng chiêng, nhiều chiếc có đường kính tới 0,8 m. Trong số này có 10 chiếc còn nguyên số hiệu của Bảo tàng Kon Tum mà người buôn bán cổ vật này chưa kịp tẩy xóa.
Ông già 85 tuổi, người mà anh Đoạt nói rằng “vô cùng mê” các vật phẩm văn hóa dân tộc, đã tuyệt vọng khi bị tịch thu tài sản. Ông Long là một trong số ít người ở thị xã Kon Tum chuyên buôn bán văn hóa phẩm truyền thống. Từ thời tráng niên, ông đã lặn lội khắp vùng, xuống cả Gia Lai, để mua đồ cổ. Cồng chiêng có được, ông thuê thợ sửa tiếng rồi bán lại cho những gia đình dân tộc có nhu cầu, hoặc khách du lịch với giá cao hơn giá mua nhiều lần.
197 có phải là con số cuối cùng?
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cồng chiêng trong nhà ông Long có biểu hiện tẩy xóa số hiệu Bảo tàng Kon Tum. Và điều này củng cố nghi vấn về con số 197 chiếc chiêng bị đánh cắp mà Bảo tàng cung cấp.
Sáng 10/12/2001, vụ việc được phát hiện, nhưng một ngày sau, công an mới nhận được văn bản đầu tiên của cơ quan văn hóa, với ước lượng ban đầu mất 6-7 chiếc chiêng. Sau đó tăng lên 20 chiếc, rồi tới trưa 14/1, “gút” lại ở số 197. Giả sử số này là đúng thì những người thu gom phế liệu chỉ có chiếc gùi con trên lưng, làm sao tẩu tán nổi số hàng cồng kềnh, vướng víu đó ra khỏi bảo tàng.
(Theo Lao Động)
Theo dòng sự kiện:
Bắt được thủ phạm ăn cắp chiêng cổ ở Kon Tum (9/1)Thu hồi 26 chiếc chiêng bị mất cắp (8/1)197 chiếc chiêng cổ ở Kon Tum bị mất cắp (17/12)

1gom