– Thứ trưởng cho biết hoạt động xét xử sẽ được đổi mới thế nào?
– Tôi rất mừng là lần đầu tiên Bộ Chính trị nhấn mạnh là phải đổi mới công tác xét xử, sửa đổi luật tố tụng để việc xét xử tại tòa trở thành diễn đàn dân chủ, chuyển từ xét xử xét hỏi sang xét xử tranh tụng, đảm bảo người bào chữa được bình đẳng với bên công tố. Thay đổi quan trọng này cũng giúp hạn chế oan sai trong tố tụng.
Qua tranh luận của luật sư tại tòa, kiểm sát viên và thẩm phán đều phải tự trau dồi năng lực trình độ chuyên môn. Số lượng luật sư sẽ phải tăng, cùng với đó, cán bộ tư pháp cũng được bổ sung để đảm bảo đủ về cơ bản. Ví dụ, hiện có khoảng 2.100 luật sư thì sau 10 năm nữa Việt Nam sẽ có 18.000 luật sư; mỗi năm ta sẽ đào tạo 2.000 luật sư.
– Vậy còn việc sửa đổi pháp luật, điều chỉnh hoạt động tư pháp cho phù hợp với Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ đã triển khai đến đâu?
– Công tác rà soát để chuẩn bị bổ sung các văn bản pháp luật cho phù hợp BTA được tiến hành rất khẩn trương. Riêng năm 2002, trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội đã có phần sửa đổi gần 30 văn bản liên quan đến lĩnh vực kinh tế và BTA. Chính phủ đã cho ý kiến sẽ sửa đổi Luật Thương mại vào cuối năm 2002. Phương án sửa đổi Bộ luật Dân sự cũng sẽ được trình Ủy ban Thường vụ vào cuối năm nay. Trong hoạt động của Quốc hội khóa mới (khóa XI), Chính phủ đã có chương trình xây dựng luật cho cả khóa.
Ngành tư pháp đang xây dựng đề án tổng thể về hoạt động tư pháp. Chúng tôi có kế hoạch đào tạo cán bộ theo hướng chuyên sâu, như đào tạo luật sư, thẩm phán, giám đốc các Sở Tư pháp, cán bộ làm công tác thẩm định văn bản ở các sở để các văn bản do địa phương ban hành cũng không trái với cam kết của Nhà nước trong BTA. Đây là những việc quan trọng.
Những vấn đề thuộc lề lối làm việc cũng phải sửa đổi. Như công văn của bộ, ngành có thể hướng dẫn thực hiện luật. Văn bản như vậy chứa đựng cả quy phạm pháp luật, nhưng lại không nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản này nhiều khi không được đăng trên công báo, thậm chí có trường hợp đóng dấu “mật” không ai kiểm tra được. Trong khi đó, theo quy định của BTA, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật hoặc điều hành văn bản quy phạm pháp luật đều phải được công bố, và chỉ khi được công bố mới có hiệu lực. Nếu không công bố, không đến được với doanh nghiệp thì không có hiệu lực. Đây là quy định quan trọng để ràng buộc doanh nghiệp tuân thủ quy định của văn bản.
– Ông nhận xét gì về vai trò của luật sư trong việc thực thi BTA?
– Làm ăn với Mỹ thì nhất định phải có luật sư, cả luật sư Việt Nam và Mỹ. Nhưng thực tế hệ thống luật sư của ta còn mỏng và yếu, dù đã có một bộ phận tự đào tạo vươn lên đủ khả năng đương đầu.
Trong bản đệ trình Chính phủ sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ đưa ra kế hoạch phải đào tạo một lực lượng luật sư giỏi về thương mại quốc tế. Lực lượng này không nhất thiết thuộc khu vực Nhà nước, mà có thể là luật sư tư nhân, công ty luật, các ngành kinh tế. Mặt khác, phải có chính sách thu hút sử dụng số luật sư đã được đào tạo tại Australia, Mỹ, Canada… và cả số Việt kiều là luật sư tại các nước. Tranh chấp xảy ra có nhiều cấp độ, giữa chính phủ với chính phủ, doanh nghiệp với doanh nghiệp… và chi phí luật sư sẽ không nhỏ. Nhưng có vậy mới bảo đảm an toàn. Phải biết chấp nhận chi phí để phòng ngừa ngay từ đầu.
(Theo Tiền Phong)