Ngày 14/1, Pháp lệnh thi hành án dân sự được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/7. Theo đó, người được thi hành án phải chịu khoản chi phí thi hành án là 5% thay cho quy định buộc người phải thi hành án gánh như trước kia. Quy định mới này đã gây ra nhiều ý kiến, quan điểm trái ngược.
Rất nhiều đại biểu tham dự cho rằng, quy định buộc người được thi hành án phải chịu lệ phí là không phù hợp. Trong mỗi vụ án, bên thua kiện đã nộp tiền án phí cho tòa án, giờ lại bắt nộp lệ phí tức là Nhà nước thu phí hai lần. Hơn thế nữa, mức thu phí 5% là quá cao vì thường đương sự đã mất rất nhiều tiền bạc, công sức khi phải theo đuổi các vụ kiện mới chờ đến kết quả thi hành án.
Cũng có nhiều đại biểu đồng tình với quy định mới về đối tượng chịu lệ phí, nhưng đưa ra ý kiến “nên có quy định miễn, giảm lệ phí” cho người được thi hành án trong một vài trường hợp như giá trị tài sản đã thi hành thấp hơn nhiều so với yêu cầu thi hành án. Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp như thế này. Chẳng hạn, đương sự được thi hành án 400 triệu đồng, nhưng nếu người phải thi hành chỉ có khả năng “chi trả” 50 triệu, trong khi lệ phí thi hành là 5% trên số 400 triệu là không phù hợp. Theo đó, chỉ nên buộc người được thi hành án nộp lệ phí trên khoản thi hành thực tế (nghĩa là căn cứ vào mức 50 triệu đồng), thậm chí nếu khoản tài sản thi hành được quá ít thì nên miễn luôn lệ phí.
Công tác thi hành luôn gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân nên được các đại biểu thảo luận rất sôi nổi. Trước những ý kiến trên, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó cục trưởng Cục thi hành án, cho biết, cần phân biệt giữa án phí và chi phí thi hành án. Án phí là khoản tiền mà người thua kiện phải nộp cho hoạt động xét xử còn mức lệ phí 5% theo quy định là chi phí cho việc thi hành án. Ông Hiếu cũng đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quy định “mức trần” đối với khoản phí thi hành án. Thực tế, có rất nhiều vụ án cần thi hành hàng tỷ đồng, nếu dựa theo quy định truy thu 5 % là quá lớn…
Đối với thực trạng có nhiều trường hợp lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kéo dài thời gian thi hành án, gây bất lợi cho bên được thi hành án cũng đã được đưa ra thảo luận. Kết quả của Phòng thi hành án TP HCM cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 9 có khoảng 200 đơn khiếu nại. Phòng thi hành án đã thực hiện việc rà soát các đơn khiếu nại, nhưng có rất nhiều trường hợp vẫn không đồng ý, liên tiếp khiếu nại. Trong số đó, có thể sẽ có những trường hợp đương sự cố tình kéo dài vụ việc. Theo một số đại biểu, nên bổ sung những quy định về xử lý đối với trường hợp khiếu nại, tố cáo sai sự thật để giải quyết tình trạng trên.
H. Thanh