Chính phủ ủng hộ chuyển việc soạn thảo luật sang Quốc hội

df
Quốc hội thảo luận ở tổ.

Điều này thể hiện ngay trong lời nói của ông Giàng Seo Phử, đại biểu tỉnh Lào Cai: “Có hiện tượng ban soạn thảo chưa tôn trọng đại biểu. Câu nói thường nhận được từ ban soạn thảo là: ý kiến của đại biểu rất xác đáng nhưng xin cho giữ nguyên như dự thảo”.
Ban soạn thảo, theo quy định hiện hành là đại diện các cơ quan của Chính phủ đệ trình dự luật trước Quốc hội. Bộ trưởng Đỗ Quang Trung, người từng vài lần ngồi ở vị trí ban soạn thảo ở cánh trái hội trường, phân trần: “Gọi là ban nhưng trước Quốc hội chỉ có một người phát biểu. Tôi mà chấp nhận ngay ý kiến của đại biểu, thì có khi lại phạm phải nguyên tắc tổ chức. Bởi dự luật đó đã được thảo luận tập thể ở Chính phủ rồi”. Ông nhắc lại lần thảo luận thông qua Luật Tổ chức chính phủ hồi cuối năm ngoái. Giữa phiên họp toàn thể, một phó thủ tướng đã phát biểu không đồng ý với ý kiến của đại biểu khác. Lúc đó, trong vai đại diện ban soạn thảo, ông Trung chẳng còn cách nào ngoài lời đề nghị cho giữ nguyên như dự thảo… Ở góc độ khác, theo ông Trung, chấp nhận ngay ý kiến của đại biểu lại có thể là vội vàng, bởi “sửa một điều theo ý đại biểu lại có thể ảnh hưởng ngay tới 3-4 điều khác”.
Một vấn đề tranh cãi lâu nay là ban soạn thảo nên thuộc Chính phủ hay do Quốc hội lập ra? Ông Giàng Seo Phử cho rằng, ban đó phải độc lập; nếu để làm luật thì do Quốc hội lập ra, nếu để làm pháp lệnh thì là của Ủy ban Thường vụ. Cơ quan thành lập có quyền yêu cầu Chính phủ cử người tham gia vào ban soạn thảo. Ông Trung ủng hộ quan điểm này, song cho rằng chuyển giao việc soạn thảo luật sang Quốc hội phải tiến hành dần dần.
Về vấn đề này, tiến sĩ luật học Nguyễn Văn Thuận, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (cơ quan giúp việc của Quốc hội), cho biết vài ngày tới Quốc hội sẽ bàn sửa đổi cơ bản quy trình làm luật. Theo dự thảo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự luật phải qua 2 lần trình mới được thông qua. Lần thứ nhất, Chính phủ trình, Quốc hội thẩm tra, các đại biểu cho ý kiến và giao cho Ủy ban Thường vụ chỉ đạo hoàn thiện tất cả các vấn đề, kể cả câu chữ. Lần thứ hai, trách nhiệm trình chủ yếu của Ủy ban Thường vụ. Sau khi nghe báo cáo tiếp thu ý kiến từ kỳ họp trước, đại biểu bổ sung chút ít rồi thông qua ngay.
Trong buổi thảo luận sáng nay, tiếp tục có những băn khoăn về chương trình xây dựng luật pháp lệnh của Quốc hội khóa XI. Các đại biểu Vũ Nguyên Nhiệm, Đinh La Thăng, Giàng Seo Phử… cho rằng cần thay đổi thứ tự ưu tiên, và chuyển những dự án pháp lệnh quan trọng (như kiểm toán) thành dự án luật, đưa vào chương trình nhiệm vụ ban hành Luật Biểu tình… Song ông Thuận cho rằng xác định thứ tự ưu tiên cần căn cứ vào tổng thể yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, cũng như khả năng thực tế khi đưa luật vào cuộc sống. Như kiểm toán, doanh nghiệp và toàn xã hội còn rất xa lạ, ban đầu chỉ nên quy định trong pháp lệnh. Còn biểu tình là hiện tượng xã hội khách quan, nhưng với Việt Nam còn mới và nhạy cảm. Do đó trước mắt nên điều chỉnh bằng nghị định của Chính phủ.
Theo kế hoạch làm việc của Quốc hội, chương trình làm luật và sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ còn tiếp tục được thảo luận trước khi thông qua vào cuối kỳ họp này.
Nghĩa NhânẢnh: Xuân Thu

1gom