Quốc hội Anh điều tra về chiến tranh Iraq

Công luận Anh đòi ông Blair phải đưa ra những bằng chứng xác thực hơn.
Thủ tướng Tony Blair ngày càng chịu nhiều áp lực.

Mặc dù Công đảng của ông Blair chiếm đa số trong Ủy ban quan hệ đối ngoại, cơ quan này vẫn cho thấy sự độc lập của họ trong các bản báo cáo trước đây về những vấn đề của chính phủ. Ủy ban sẽ lấy lời khai của một số nhân chứng trong tháng 6 và ấn hành một báo cáo vào tháng 7. Donald Anderson, Chủ tịch Ủy ban, cho biết có thể Thủ tướng Blair, Ngoại trưởng Jack Straw và một số sĩ quan tình báo đương chức sẽ được triệu tập để cung cấp bằng chứng. Ông Anderson nhấn mạnh: “Mọi lựa chọn đều để ngỏ. Chúng tôi sẽ lấy lời khai của càng nhiều nhân chứng thuộc càng nhiều lĩnh vực càng tốt. Mối quan tâm chính của chúng tôi là chất lượng của các tài liệu tình báo (về vũ khí bị cấm của Iraq) và việc sử dụng chúng”.
Trong một tuyên bố, Ủy ban cho biết, cuộc điều tra sẽ cân nhắc xem liệu Bộ Ngoại giao “cùng với chính phủ, có trình lên quốc hội thông tin chính xác và đầy đủ liên quan đến vũ khí hủy diệt của Iraq trong giai đoạn trước cuộc chiến hay không”.
Theo một báo cáo độc lập, Văn phòng Thủ tướng muốn Ủy ban An ninh và Tình báo của quốc hội tổ chức cuộc điều tra. Tuy nhiên, ủy ban này chịu sự chỉ đạo của thủ tướng chứ không phải từ quốc hội. Do đó, một số nhà lập pháp đã tạo áp lực đòi tổ chức một cuộc điều tra minh bạch hơn. Văn phòng của ông Blair đã bác bỏ bản báo cáo trên.
Ông Blair cũng đang chịu những sức ép không ngừng gia tăng từ chính giới và công luận. Hơn 50 nghị viên Công đảng đã ký thỉnh nguyện đơn kêu gọi chính phủ ấn hành những bằng chứng “phía sau” hồ sơ vũ khí Iraq. Đảng Dân chủ Tự do, chính đảng lớn thứ 3 trong quốc hội, kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra công khai. Đảng Bảo thủ đối lập không yêu cầu điều tra nhưng cũng kêu gọi ông Blair bổ sung bằng chứng cho tuyên bố về vũ khí hủy diệt của Saddam mà ông đưa ra trước chiến tranh.
Việc Iraq tàng trữ vũ khí bị cấm là lý lẽ được ông Blair dựa vào khi tham gia hành động quân sự tại Iraq cùng đồng minh Mỹ. Mặc dù vậy, cho tới nay, liên quân Mỹ, Anh tại Iraq chưa thể chứng minh được sự tồn tại của vũ khí hạt nhân, hóa sinh hoặc những chương trình phát triển các loại vũ khí này.
Thế Nghĩa (theo AP)

Close [X]
1gom
1gom