Cả người Do Thái và Palestine đều khẳng định Hebron là lãnh thổ của mình. |
Nhân viên điều tra chưa công khai liên kết hai vụ việc, nhưng những gì họ nói cho thấy Pas không chỉ muốn dừng lại ở chuyện trả thù kẻ giết hại con gái mình. Ông này và 3 người bị bắt hồi tuần trước là thành viên một nhóm Do Thái bất hợp pháp muốn tấn công người Palestine.
David Wilder, đại diện của người định cư Do Thái ở Hebron, cho biết những người hàng xóm không thể tin rằng, Pas lại tập hợp một nhóm tấn công. Quan điểm chung của người Do Thái tại thành phố này là chống các tổ chức như vậy. “Pas nhận thức được rằng rất khó lẩn trốn sau khi phạm tội giết người ở Israel”, Wilder nói.
Sự việc tế nhị đến mức Pas và một nghi phạm khác bị còng tay theo trát bắt quân sự bí mật. Biện pháp này rất hiếm khi được sử dụng với người Do Thái, còn thường xuyên xảy ra với những người Palestine bị tình nghi tiến hành tấn công khủng bố.
Khoảng 9 giờ tối (giờ địa phương) hôm 19/7/2001, 7 thành viên nhà Tamaizi đang lái xe về nhà sau khi tham dự lễ cưới. Một chiếc xe trên con đường lớn đâm vào ôtô của họ, buộc họ phải ra ngoài. Bị nhằm bắn, 3 trong 7 người thiệt mạng, trong đó có một bé trai hơn 2 tháng tuổi. Giống như Shelhevet Pas, em là đứa con duy nhất. Ông của đứa trẻ, Helmi Musalem Tamaizi, 62 tuổi, hy vọng vụ việc sẽ được giải quyết. Ông cho biết một nạn nhân nhỏ tuổi nữa sống sót sau vụ này. Đó là cháu gái Amira, nhưng em bị mất chân trái khi chưa đầy 3 tuổi.
Vào thời điểm tiến trình hoà bình Trung Đông đang ngưng trệ và nhiều nhân vật cánh hữu trong chính quyền Tel Aviv phản đối thúc đẩy lộ trình, người ta ngày một lo ngại về những cuộc tấn công khủng bố mà thủ phạm là dân Do Thái. Một quan chức an ninh Israel cho biết, trong 2 năm qua, ít nhất 7 người Palestine thiệt mạng và 9 người khác bị thương trong những vụ bắn súng không tìm ra thủ phạm, nhưng chắc chắn là do người Israel tiến hành. Nguồn lo ngại chính là hàng chục người định cư cực đoan ở Bờ Tây, đại diện cho “tình trạng vô cùng nghiêm trọng đối với nền dân chủ Tel Aviv”.
Palestine và nhiều người Do Thái gọi người định cư Hebron là cuồng tín và kích động, cố tình đẩy bản thân và con cái vào hoàn cảnh tai hại. Tuy nhiên, dân định cư lại cho rằng họ có quyền sống gần Judaism, địa điểm linh thiêng chỉ sau Bức tường phía tây ở Jerusalem, và có quyền sống trong hoà bình.
Israel chưa đối đầu với một nhóm du kích Do Thái ở bất kỳ quy mô nào trong gần 20 năm nay. Hồi thập kỷ 1980, Tel Aviv từng giải quyết một số tổ chức, trong đó có một nhóm chuyển lậu 10 kg chất nổ và 18 quả lựu đạn vào khu đền Mount ở Jerusalem.
Ý tưởng người Do Thái tấn công đang làm chính quyền Israel đau đầu, vì nguy cơ của nó với chính luật pháp nước này và cuộc tranh cãi rằng bạo lực chống thường dân chỉ do phía Palestine tiến hành. Trong trường hợp Pas, chưa ai công khai tuyên bố về quy mô của nhóm tấn công, và có phải thành viên của nó là thủ phạm của 7 vụ đột kích chưa tìm ra kẻ phải chịu trách nhiệm hay chỉ đang lên kế hoạch những vụ mới. 4 đối tượng bị bắt không khai bất kỳ chi tiết nào, bất chấp các cuộc thẩm vấn gắt gao.
Nếu một nhóm du kích như vậy tồn tại, thì không có gì ngạc nhiên nếu nó hoạt động ngay tại Hebron, nơi 500 người định cư Do Thái sống chung với hơn 100.000 dân Palestine. Người ta không rõ mức độ bạo lực ở những khu phố hiện vắng vẻ như thành phố ma: người Palestine đã bỏ đi do thiết quân luật và sự quấy nhiễu mà người định cư và binh lính Do Thái gây ra. Người Israel cũng không có mặt vì sợ mạo hiểm.
Lập luận về việc liệu có thể biện hộ cho các tổ chức tấn công Do Thái hay không nhanh chóng trở thành cuộc tranh cãi. Một số người cho rằng các cuộc tấn công nhằm của thường dân Israel nhằm vào Palestine là rất hiếm. Theo nhóm nhân quyền Do Thái B’Tselem, 3 năm qua, 32 người Palestine thiệt mạng trong khi 328 người Israel bị giết trong lãnh thổ, 190 ở Bờ Tây và Dải Gaza. Một số người định cư cho rằng, dân Palestine liên tục tấn công họ, còn binh lính Israel thì không bảo vệ họ ở mức cần thiết. “Nếu người dân thấy được chính phủ che chở, thì những sự kiện như vậy sẽ không xảy ra”, Gavriel Ben-Yitzhak, 46 tuổi, sống cùng vợ và 14 đứa con trên một ngọn đồi ở Hebron, nói. “Và nếu có xảy ra, thì cũng rất hiếm thấy”.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu nhân quyền Swisa, có ít các tổ chức tấn công Israel được thành lập vì hầu hết người Do Thái tin tưởng được chính phủ bảo vệ. “Họ không cần một tổ chức Israel ngầm. Quân đội rõ ràng che chở cho dân chúng và luôn nỗ lực”, ông nói.
Nguyễn Hạnh (theo NYT)