Cơ thể người (phần 8)

Loài người sinh sống trên trái đất có màu da khác nhau. Nói chung, người châu Á da vàng, người châu Phi da đen, người châu Âu da trắng. Trên đại lục Á – Âu, đặc biệt là châu Âu, càng đi về phía Nam thì màu da càng đậm.
Vì sao da người lại có màu sắc khác nhau? Ngày nay, người ta đã biết được độ sáng tối của da là do số lượng các hắc tố trong da quyết định. Người châu Âu có ít hắc tố nên màu da rất nhạt; người châu Phi nhiều hắc tố nên da màu đen hoặc nâu đen. Ở người da vàng, lượng hắc tố ở mức giữa hai loại người trên nên da màu vàng. Các nhà khoa học cho biết, màu da của người là kết quả thích ứng với môi trường trong quá trình tiến hóa lâu dài.
Tia tử ngoại của ánh nắng tuy có thể giúp cơ thể hợp thành vitamin D, tăng thêm sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật nhưng lại có thể gây hại nếu có quá nhiều. Hắc tố da giống như một cái “dù” để che ánh nắng, ngăn ngừa tia tử ngoại xâm nhập vào cơ thể. Người châu Phi do sống ở vùng vĩ độ thấp, nhiều ánh nắng nên da có nhiều hắc tố. Người châu Âu sống ở vùng vĩ độ cao, không bị ánh nắng mặt trời chiếu mạnh, màu da sáng sẽ giúp họ hấp thụ được nhiều tia tử ngoại hơn.
Tóc của người cũng có nhiều màu; có tóc đen, tóc vàng, tóc đỏ… Nhìn chung, người da vàng có tóc đen nhánh, người da trắng tóc màu vàng bạch kim. Giống như màu da, màu tóc sở dĩ khác nhau cũng là do số lượng hắc tố trong tóc nhiều hay ít. Người hắc tố nhiều sẽ có tóc đen, ngược lại là tóc vàng hoặc bạch kim. Màu tóc khác nhau cũng là một chứng minh về sự thích ứng đối với môi trường của con người. Người phương Tây sống ở vùng lạnh, ánh nắng yếu; còn người phương Đông sống ở vùng nắng nhiều, hắc tố sẽ bảo vệ tóc trước sự tấn công của tia tử ngoại.
Màu mắt của người phương Đông và người phương Tây có khác nhau. Mắt người phương Đông màu vàng hoặc đen, mắt người phương Tây ngược lại là màu lam nhạt hoặc màu sáng. Trên thực tế, màu mắt chính là màu của củng mạc (màng nửa hình cầu nằm phía trước nhãn cầu). Lượng hắc tố trên củng mạc sẽ quyết định màu sắc của nhãn cầu. Ở người phương Đông hoặc người châu Phi, châu Mỹ la tinh, hắc tố trên củng mạc tương đối nhiều nên nhãn cầu mang màu đen hoặc vàng nâu. Ở người da trắng phương Tây, hắc tố trên củng mạc ít, mạch máu ở đó lại nhiều nên nhãn cầu có màu lam nhạt hoặc xám (cũng giống như với người da trắng, ta dễ dàng thấy được các mạch máu li ti ở dưới da).
(còn tiếp)
LTS: “Cơ thể người là một trong 12 quyển thuộc bộ sách Mười vạn câu hỏi”, được biên soạn bởi đội ngũ đông đảo các nhà khoa học đầu ngành của Trung Quốc. Sách dùng hình thức trả lời câu hỏi để giới thiệu, giải đáp những vấn đề liên quan đến cơ thể con người, từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu. Bằng ngôn ngữ dễ hiểu, sinh động, với cách đặt câu hỏi phù hợp với thắc mắc của đa số thanh thiếu niên, cuốn sách đem đến cho người đọc nhiều điều lý thú, bất ngờ.
Sách do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2001″.

Close [X]
1gom
1gom