Anh Lê cần bắt nhịp với cuộc sống ở Mỹ

From: VU LAMTo: [email protected] Sent: Saturday, December 21, 2002 2:35 PM Subject: chia se cung a. Michael Le
Anh Lê thân mến,
Tình yêu trước hôn nhân bao giờ cũng là màu hồng tươi đẹp, giúp xóa nhòa đi những khiếm khuyết của người anh yêu. Có lẽ cá tính coi thường những gì từ Việt Nam của vợ anh, anh cũng đã nhận thấy ngay từ khi yêu nhau, nhưng đã hy vọng bằng tình yêu cũng như bản lĩnh của mình để vượt qua được. Giờ đây anh lại có ý rút lui đầu hàng à?
Là một người có học và kinh nghiệm sống từ Việt Nam, tôi tin anh sẽ thành công trên đường đời cũng như trong cuộc sống gia đình nếu anh nhìn thấy đâu là mục tiêu ngắn và dài hạn. Mục tiêu dài hạn, nhiều anh chị đã góp ý với anh là học đúng ngành nghề xã hội cần và phù hợp với sở thích của anh. Mục tiêu ngắn hạn là anh phải làm ra tiền, nếu không đủ nuôi vợ con thì cũng phải đủ nuôi thân và trả chi phí tiền nhà ở, điện nước, điện thoại… Còn làm gì ra tiền thì thực tế anh đừng nên chê một nghề nào cả. Tôi thấy ở Mỹ không thiếu việc để làm ra tiền đủ sống.
Ngược lại, khi bươn chải trong công việc và giao tiếp với đủ dân tộc tại Mỹ sẽ giúp anh dễ hội nhập hơn với nền văn hóa Mỹ. Cốt lõi vấn đề là anh phải tự đặt mình về con số không, suy xét những ưu và khuyết điểm để đi đến thành công tại Mỹ. Ví dụ ngôn ngữ, anh đã có thể giao tiếp lưu loát với người Mỹ chưa, về cả kỹ năng nói, và viết. Anh có tự tin khi nhận xét và đưa ra giải pháp một cách thuyết phục khi làm việc chưa?
Về mặt tâm lý, anh đang ở trong trạng thái chưa thích nghi được với văn hóa Mỹ. Đây là khuyết điểm lớn nhất anh cần khắc phục. Người Mỹ sống rất thực dụng, đơn giản vì cuộc sống tự do đầy những cạnh tranh gay gắt. Để đơn giản hóa, mọi thứ đều được cột vào giá trị đồng tiền. Người ta thường có thói quen so sánh sự thành công dựa trên thu nhập anh kiếm được, dựa theo lối ăn xài, quần áo, nhà xe… Mọi quyết định cần phải nhanh và chấp nhận rủi ro ở mức độ cho phép để không bỏ lỡ cơ hội. Tôi không khuyên anh phải có quan điểm 100% như người Mỹ, nhưng anh cũng cần tăng tốc lên, cố học lên để bắt kịp nhịp sống ở Mỹ, thu thập thông tin nhanh hơn, suy xét và ra quyết định trong công việc và học hành.
Đọc báo Việt Nam không có gì là xấu cả, nếu anh chỉ đọc trong thời lượng vừa phải, và dành nhiều thời gian cho việc khác. Đọc báo Việt Nam cũng nên dừng ở mức lấy tin tức quê nhà, chứ đừng sa đà, chìm đắm lại trong thời gian vinh quanh, thành công trong quá khứ ở Việt Nam rồi tiếc nuối, dễ dẫn đến so sánh với hiện tại, u buồn, suy nhược, rồi khép kín trầm cảm, ngại giao tiếp, ngại thử thách, nhụt chí. Tác giả Clayton Alderfer trình bày lý thuyết Frustration-Regression Process: “Khi không đạt được những nhu cầu cao hơn trong cuộc sống, con người dễ chán chường và có khuynh hướng sống thu mình lại ở những nhu cầu cấp thấp”.
Quan điểm của vợ và gia đình vợ anh về Việt Nam khá cực đoan vì họ thiếu thông tin. Anh đừng mất thời giờ để làm lay chuyển nó trong thời gian ngắn, mà nên chọn sách lược tránh đề cập đến vấn đề này. Riêng với vợ, anh cần chỉ rõ phải tôn trọng sở thích riêng của anh và dĩ nhiên để bù đắp anh cũng phải tôn trọng sở thích riêng của cô ấy mặc dầu anh không thích (ví dụ shopping, thăm bà con…). Về lâu về dài, khi có đủ tiền tài anh nên đưa vợ con về thăm Việt Nam để họ có cái nhìn khác.
Tóm lại anh phải thể hiện bản lĩnh của người chồng qua hành động để thành đạt trong cuộc sống tại Mỹ.
Vài dòng chúc anh giải quyết êm đẹp thử thách này và vững bước tiến lên!
A. Vũ

Close [X]
1gom
1gom