“Vợ chồng chúng tôi bận việc, phải nhờ một chị khoảng 45 tuổi trông giúp cháu nhỏ 2 tuổi, ăn ở tại nhà. Gần đây, sau khi bị sốt, chị ho nhiều, kéo dài cho tới nay. Điều đáng lo nhất là cháu bé cũng bị sốt cao, ho, nôn và gầy sút. Chúng tôi lo chị giúp việc bị bệnh lao, vì dùng thuốc ho mãi vẫn không hết”.
Thư bạn nói không chi tiết, rất khó nói chắc, nên xin nêu lên mấy điểm để bạn tham khảo và vận dụng:
1. Nếu chị giúp việc của bạn chỉ bị sốt mấy hôm rồi hết, thì nhiều khả năng là đã bị cúm, và triệu chứng ho kéo dài là hậu quả của bệnh này, có khi vài ba tháng mới khỏi hẳn.
2. Nếu chị ấy vẫn sốt hâm hấp về chiều, đêm ngủ ra mồ hôi trộm, kém ăn, kém ngủ…thì hãy coi chừng chị bị lao phổi. Nếu vậy, cần cho chị đi khám để được chụp X-quang phổi, xét nghiệm đờm tìm trực khuẩn lao.
Nếu chị ấy bị lao phổi, bạn phải cho chị ấy thôi việc ngay để được chữa trị theo yêu cầu của bệnh tật (nằm viện hay dùng thuốc tại nhà) và để tránh lây nhiễm tiếp cho gia đình bạn.
Trong tình huống đó, phải đồng thời làm mấy việc:
– Cho cháu bé đi khám để xác định có bị sơ nhiễm lao hay không (chụp X-quang phổi, thử phản ứng lao). Nếu có, cháu sẽ được bác sĩ cho dùng thuốc, sau khoảng 6 tháng là hết, không để lại di chứng (vừa qua, cháu bị sốt cao, ho, nôn, gầy sút chỉ là do bị cúm thôi, bởi vì sơ nhiễm lao không “ồn ào” như vậy).
– Tổng vệ sinh nhà cửa nhiều lần (không được quét khô), phơi chăn màn, quần áo, đồ đạc ra nắng trong nhiều buổi liền, hoặc ủi (là), thường xuyên để ánh nắng vào nhà (trực khuẩn lao rất ớn tia nắng, nhất là vào buổi trưa). Dù tìm ba lần liên tiếp vẫn không thấy trực khuẩn lao trong đờm của chị giúp việc (“không thấy” không có nghĩa là “không có”), bạn cũng phải làm như vậy để thanh toán những ổ trực khuẩn lao có thể có.
– Vợ chồng bạn cũng phải đi chụp X-quang phổi để xem mình có bị thâm nhiễm lao hay không. Nếu có, việc chữa trị sẽ mang lại kết quả mỹ mãn bằng những thuốc chống lao hữu hiệu, với điều kiện dùng đủ liều lượng, đủ thời gian, đồng thời chú ý bồi dưỡng và giữ gìn sức khỏe.
3. Nếu cần một người giúp việc khác, nhất thiết bạn phải cho họ chụp X-quang trước để loại trừ các bệnh phổi, đặc biệt là lao phổi. Bởi vì những cháu bị sơ nhiễm lao lúc ấu thơ thì về sau rất dễ bị lao phổi, nhất là khi nguồn lây bệnh lại tồn tại lâu dài ngay sát nách cháu. Có trường hợp người giúp việc bị lao xơ hang mà gia đình vẫn nhờ trông con nhỏ suốt mấy năm trời, cháu này lớn lên đã bị lao xơ hang, phải mổ cắt phổi mà vẫn không qua được.
Mất lòng trước được lòng sau, nếu bạn lo liệu trước đi thì đâu đến nỗi phải lo lắng nhiều như vậy.
329. Hãy đề phòng thâm nhiễm lao
“Cách nay 3 năm, cháu phải nằm viện vì hôm nào cũng sốt từ chiều đến sáng; bác sĩ bảo không phải lao, tuy kết quả thử phản ứng ở tay cháu dương tính. Sau đó cháu khỏe lại. Gần 5 tháng nay, thấy có hiện tượng như trước, cháu chụp phổi và được kết luận không phải lao phổi. Sau khi đọc báo, cháu mới nghĩ đến bệnh rò hậu môn của mình từ trước (hôm nào sốt nhiều là chỗ rò mưng mủ)”.
Rò hậu môn có thể do lao gây nên. Và những lần cháu sốt kèm theo sưng tấy ở đó rồi vỡ mủ là biểu hiện của bội nhiễm. Nếu cứ để vậy thì hiện tượng này sẽ lặp lại nhiều lần, đường rò ngày càng phức tạp hơn (thêm ngóc ngách, xơ dày hơn, thậm chí thêm đường rò). Tuy hiện giờ hai phổi cháu còn bình thường nhưng nguy cơ bị lao phổi vẫn luôn rình rập, thử phản ứng lao vẫn dương tính.
Cháu nên sớm đến một khoa ngoại tổng quát của bệnh viện xin mổ. Các bác sĩ sẽ luồn dăm bảy sợi chỉ vào đường rò, sau đó cứ 1-2 hôm thít chặt một sợi, giúp đường rò mở ra và thành sẹo.
Nếu vì lý do đặc biệt nào đó chưa đi mổ được, cháu phải chú ý giữ gìn sức khỏe, ăn ngủ thật tốt. Trong tình hình bình thường, ít nhất mỗi năm cháu phải chụp phổi một lần, để nếu có thâm nhiễm lao thì kịp thời chữa trị; vì ổ trực khuẩn Koch ở hậu môn này không yên phận bị “cầm tù” đâu, nó sẽ tìm cơ hội tấn công phổi đấy.
(còn tiếp)
LTS: “Cuốn 500 giải đáp y học theo yêu cầu bạn đọc của tiến sĩ Lê Trọng Bổng là kết quả của việc chọn lọc, sắp xếp các thư trả lời độc giả về các vấn đề y khoa trong nhiều năm. Bằng lối diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, tác giả đã truyền đạt kịp thời những thông tin đáng tin cậy đến bạn đọc nhờ vận dụng những kinh nghiệm của bản thân, kết hợp nhuần nhuyễn với kiến thức thu nhận được từ các tài liệu trong và ngoài nước. Tiến sĩ Lê Trọng Bổng là phẫu thuật viên khoa ngoại tổng quát và phẫu thuật lồng ngực, giảng viên đại học và biên tập viên báo chí khoa học.
Sách do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 2001”.