Tuy quân đội Mỹ tập trung rất đông ở vùng Vịnh và Ấn Độ Dương, nhưng một chiến dịch như Bão táp sa mạc như ở Iraq năm 1991 sẽ không lặp lại. Việc Mỹ tập trung lực lượng trong khu vực, huy động 3 tàu sân bay, thực chất chỉ là màn biểu dương sức mạnh quân sự mà thôi. Có ý kiến cho rằng liên minh đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu sẽ tấn công Afghanistan từ mọi hướng. Tuy nhiên, Washington và London cũng đã bác bỏ điều này.
Theo các nguồn tin khác nhau, Đại bàng kiêu hãnh sẽ không chỉ tập trung vào việc “đưa bin Laden ra trước công lý”. Chiến dịch chống khủng bố này rất khác với những chiến dịch của Mỹ trong lịch sử, bởi nó được soạn thảo nhằm đương đầu với nguy cơ chiến tranh không cân sức. “Không cân sức” ở đây nghĩa là những nhóm nhỏ binh lính, với số vũ khí ít ỏi, có khi rất cổ lỗ, lại có khả năng tấn công các quốc gia hùng mạnh như Mỹ, vốn được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại và không lực cực kỳ thiện chiến.
Cụ thể, Mỹ sẽ không sử dụng chiến thuật cũ, là chiến đấu dựa trên sức mạnh của xe tăng, trọng pháo và quân số đông. Thay vì thế, tấn công quân sự sẽ chỉ là một phần trong cuộc chiến chống khủng bố. Cuộc chiến này sẽ diễn ra trên rất nhiều mặt trận khác như ngoại giao, kinh tế và chính trị. Tất nhiên, Tổng thống Bush ý thức được mong muốn “trả thù” của dư luận Mỹ, nên có thể chấp nhận hoạt động quân sự do những đơn vị đặc biệt tiến hành, hoặc cho phép không kích vào lãnh thổ của đối phương. Tuy nhiên, Mỹ sẽ chỉ làm thế khi có đủ thông tin tình báo đảm bảo rằng các trận đánh sẽ kết thúc thắng lợi, bởi rõ ràng là bắn tên lửa mà không có mục tiêu (bin Laden và các trại khủng bố) thì thật vô nghĩa.
Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld khẳng định: “Đây là một hình thức chiến tranh rất mới đối với nước Mỹ. Khi thu được một thông tin có giá trị, chúng tôi sẽ chuẩn bị ngay phương thức hành động thích hợp, với các hoạt động trải trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, tài chính, quân sự, tình báo”.
Các quan chức Mỹ báo trước rằng cuộc chiến chống khủng bố có thể đem so với đấu tranh tiêu diệt ma túy và đói nghèo, nghĩa là sẽ kéo dài. Cách tốt nhất để tiêu diệt kẻ thù là sử dụng chiêu thức “đầu và tim” – thuyết phục chính phủ và nhân dân các nước cùng tham gia vào trận chiến, vạch mặt chỉ tên và cô lập bọn khủng bố. Thành công có được sẽ không nhờ hoạt động quân sự, mà do áp lực chính trị đối với các chính phủ, buộc họ phải quay lưng lại với quân khủng bố và giao nộp những tên tổ chức mạng lưới này.
Đoan Trang (theo Times)