Họa sĩ Trần Hậu Tuấn. |
Hiện số tranh mà Tuấn sở hữu nhiều hơn số tuổi 36 của anh. Những tranh quý nhất trong bộ sưu tập, đặc biệt là các kiệt tác của “tứ trụ”: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, anh đã thu thập được trong những năm khó khăn nhất của cuộc sống, khi cái đói lấn át cái đẹp, các họa sĩ bị bỏ rơi còn người mua tranh thì bị coi là những kẻ khùng.
Tuấn sưu tập tranh từ lúc 14 tuổi, khi anh gặp họa sĩ Bùi Xuân Phái và hoàn toàn bị tranh cũng như tính cách của của ông hớp hồn. Ông là người đã nhen lên ngọn lửa đam mê hội họa trong anh. Tuấn “ôm” tranh Phái, tổ chức triển lãm ở Paris và còn lập ra cả một bảo tàng nhỏ về ông ngay trong nhà mình. Vừa qua, nhân dịp 13 năm ngày mất của họa sĩ Phái, Tuấn cũng đã tưởng nhớ ông bằng một triển lãm tại TP HCM.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng. |
Sau thành công của 11 cuốn sách về các họa sĩ Việt Nam, anh sắp cho ra đời tác phẩm thứ 12 mang tên Hội họa Việt Nam thập niên 90. Mở đầu cuốn sách là bài viết về Nguyễn Sáng, Tuấn trích dẫn một câu của cố họa sĩ: “Nếu không phải vì nghệ thuật, anh có rải tiền ra đường tôi cũng giẫm lên mà đi. Còn vì nghệ thuật, tôi có thể nhặt từng đồng xu để sống”.
Tuấn là người sành sỏi. Từ việc cho các bảo tàng trên thế giới mượn tranh để làm triển lãm trong nước hay đầu tư cho các họa sĩ trẻ, anh đều trực tiếp làm, bằng tiền túi của mình và làm rất “xịn”. To con, nhanh nhẹn, ánh mắt sắc như dao, Tuấn thoắt ẩn, thoắt hiện. Giờ anh còn “ẩn” nhiều hơn vì lao vào vẽ. Tranh của Tuấn hầu hết là tự họa, chúng thể hiện nội tâm anh: buồn, nhiều suy tư và hơi cô độc.
Ngoài sở thích sưu tập tranh, Tuấn còn là một võ sư có tiếng của môn Vĩnh Xuân. Anh cũng từng làm huấn luyện viên bóng đá. Dù làm công việc nào, anh cũng thể hiện hết mình, làm hết mình và đạt đến đỉnh cao.
Hiện Tuấn đang ấp ủ đề án thành lập một bảo tàng mỹ thuật tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Hy vọng anh sẽ thành công với ý tưởng mới này.
(Theo Sành Điệu)