– Thưa Phó Chủ tịch, trong kỳ họp này, Thủ tướng, Phó Thủ tướng có ra trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề liên quan đến nhiều bộ ngành hoặc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng?
– Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt vấn đề này và sẽ họp với thường trực Chính phủ để đề nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng bố trí trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ở Quốc hội nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có lần giải trình chung trước Quốc hội sau khi các bộ trưởng trả lời. Để thiết thực hơn, kỳ họp này cũng sẽ yêu cầu các thành viên Chính phủ phải báo cáo kết quả thực hiện những gì đã hứa và phải trả lời những câu hỏi xin khất kỳ trước. Những bộ trưởng chưa từng trả lời như Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng… có thể cũng được bố trí trả lời chất vấn.
– Thưa, kỳ họp Quốc hội này sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội mới và bổ nhiệm một số bộ trưởng thay những người vừa bị kỷ luật hay vừa được bầu vào vị trí lãnh đạo cao cấp của Đảng?
– Chương trình kỳ họp dành mấy ngày bàn về nhân sự, trong đó có bầu Chủ tịch Quốc hội mới. Theo thủ tục chung, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, giới thiệu người ra ứng cử Chủ tịch Quốc hội, trên cơ sở đó Thường vụ Quốc hội thảo luận và giới thiệu để Quốc hội bầu. Riêng Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có đề nghị thăm dò trước ứng viên Chủ tịch Quốc hội trong Thường vụ Quốc hội, sau đó Trung ương mới giới thiệu.
Kỳ họp này, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội bổ nhiệm Bộ trưởng Văn hóa – Thông tin (thay ông Nguyễn Khoa Điềm vừa được bầu vào Bộ Chính trị, hiện là Trưởng Ban tư tưởng – văn hóa Trung ương). Quốc hội cũng bổ nhiệm người thay ông Hà Quang Dự, vừa bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao theo đề nghị của Chính phủ. Còn trường hợp Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Miền núi Hoàng Đức Nghi thì Chính phủ không đề nghị vì nhiều lẽ, trong đó có lý do ông Hoàng Đức Nghi nằm bệnh viện suốt một năm, lúc xảy ra những sai phạm ở Ủy ban này. Trường hợp Bộ Thương mại thì Chính phủ chưa đặt vấn đề bầu người mới thay ông Vũ Khoan, vừa được bầu vào Ban Bí thư.
– Quốc hội còn có chức năng rất quan trọng là giám sát để theo dõi, kiểm tra việc thực thi các đạo luật, nhưng chức năng này có vẻ còn mờ nhạt?
– Sở dĩ giám sát của Quốc hội chưa đạt hiệu quả cao vì quyền hạn, cách thức giám sát của các ủy ban của Quốc hội chưa quy định rõ trong luật. Lẽ ra trong nhiệm kỳ này, Quốc hội phải thông qua Luật Giám sát của Quốc hội, nhưng chưa làm được đành phải để nhiệm kỳ tới. Lâu nay, các bộ ngành của Chính phủ cũng trả lời việc giám sát của các ủy ban của Quốc hội nhưng chỉ được đâu hay đấy! Ngoài ra cũng vì đại biểu Quốc hội phần lớn kiêm nhiệm, quá bận rộn nên không có nhiều thời gian tổ chức các đoàn đi giám sát.
– Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ có đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhưng lại chưa có quy định cơ chế hoạt động của các “nghị sĩ chuyên nghiệp”?
– Điều đó phải chờ sửa Luật Tổ chức Quốc hội. Riêng đại biểu chuyên trách ở địa phương thì khóa trước có, còn khóa X hiện nay không có nữa. Ở nước ta chưa đủ điều kiện để từng đại biểu hoạt động như nghị sĩ các nước. Nhưng bây giờ không có đại biểu chuyên trách thì hoạt động của các đoàn đại biểu khó khăn. Do vậy, cần phải có đại biểu chuyên trách làm nhiệm vụ liên lạc, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, đôn đốc chính quyền… Quốc hội khóa tới nhất định sẽ tăng số đại biểu chuyên trách nhiều hơn.
– Thưa Phó Chủ tịch, nghe nói Quốc hội sẽ lập cơ quan chuyên trách soạn luật, dạng như viện lập pháp?
– Cũng có ý kiến cho rằng trách nhiệm này thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhưng hiện Ủy ban này đang quá tải, lo thẩm định các dự luật đã “hết hơi”. Có lẽ tới đây sẽ lập ban công tác lập pháp chứ không gọi là viện, trực thuộc Văn phòng Quốc hội để nghiên cứu ngôn từ, kỹ thuật, đối chiếu các luật với nhau. Ban này có thể mời thêm các chuyên gia giỏi giúp thẩm tra, xem xét các dự án luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn và giao cho Văn phòng Quốc hội lập dự án về tổ chức nhưng chưa xong. Cố gắng trong nhiệm kỳ Quốc hội này (1997-2002) sẽ xong.
– Quốc hội kỳ này sẽ lập Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp. Có phải mục tiêu chính của sửa đổi hiến pháp là để cải cách hành chính?
– Khi bàn sửa đổi Hiến pháp 1992, có một số vấn đề thảo luận chưa ngã ngũ: có nhất thiết thành lập HĐND từ cấp xã lên đến tỉnh, quyền hạn của HĐND đến đâu, Thủ tướng có quyền bổ nhiệm Chủ tịch UBND… Kỳ này Quốc hội sẽ cho ý kiến về những phương án sửa đổi để Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu, chuẩn bị trưng cầu dân ý trước khi trình Quốc hội kỳ họp cuối năm nay thông qua. Hiện cũng có nhiều ý kiến đề xuất cụ thể: hằng năm, Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên của Chính phủ, các thành phố không cần phải có HĐND cấp quận, VKS chỉ nên làm nhiệm vụ công tố và kiểm sát tư pháp chứ không kiểm sát chung (vì chồng chéo với thanh tra nhà nước)… Cùng với việc sửa đổi hiến pháp, kỳ họp cuối năm cũng sẽ sửa đổi các luật tổ chức bộ máy Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, tòa án, VKS… Đó cũng chính là cơ sở pháp lý để đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm có một bộ máy thực sự mạnh.
– Thưa, Quốc hội có xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội nào không, chẳng hạn như các thành viên Chính phủ vừa bị kỷ luật, miễn nhiệm?
– Kỳ họp này dự kiến không xem xét bãi nhiệm đại biểu nào. Trường hợp ông Hà Quang Dự cũng chỉ bị miễn nhiệm chức bộ trưởng.
– Xin cảm ơn Phó Chủ tịch.
(Theo Tuổi Trẻ, 22/5)
Theo dòng sự kiện:
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch mới? (20/5)
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá X (9/5)