Linh phải chủ động đón nhận những tình huống xấu nhất

From: M.N.  To: [email protected] Sent: Wednesday, October 30, 2002 6:20 PMSubject: Tam su
Kính gửi VnExpress, 
Tôi là độc giả thường xuyên của VnExpress. VnExpress là nguồn thông tin của tôi về Việt Nam. Tôi đọc rất nhiều báo, Việt Nam có, báo nước ngoài có nhưng thường thì tôi rất ít khi vào các mục tâm sự, trắc nghiệm và kết bạn.
Có lẽ chính vì cái tật này mà tôi đọc hết tất cả những gì được upload lên trên mạng VnExpress. Và cũng chính vì đọc Tâm sự nên tôi mới có ý định viết bài này kể về cuộc sống riêng tư của tôi. Tôi hy vọng rằng nó cũng có thể giúp ích được cho một số người.
Chuyện thứ nhất: Đối đầu với căn bệnh nguy hiểm (hay cái chết)
Trong một lần về chơi Việt Nam, sau khi quay trở lại Mỹ tôi cảm thấy cơ thể rã rời, đau bụng đi ngoài, ốm yếu, cơ thể suy yếu một cách trầm trọng. Trọng lượng cơ thể tôi suy giảm một cách trầm trọng, chỉ còn da bọc xương, kéo theo sức khỏe, tinh thần. Tôi có cảm giác “gần đất xa trời”, đêm không ngủ được, ngày không ăn được và lúc nào cũng cảm thấy thiếu không khí ngộp thở, thậm chí đang yên đang lành tôi lăn ra ngất xỉu.
Lúc trước tôi có thể ăn một miếng thịt bò beefstake khoảng 1,5 đến 2 kg, hoặc ăn liền một lúc một cái pizza loại bự, cộng thêm một đĩa mỳ Ý và uống 1 lít coca, không nhăm nhò gì. Lúc này tôi không có cảm giác muốn ăn, một bát cơm nhỏ cũng không nuốt nổi. Nhiệt đô cơ thể thì lên xuống thất thường, ngoài trời lạnh âm độ C nhưng người tôi thì mồ hôi đầm đìa, rồi có những lúc không đâu thì cơ thể lại lạnh toát, run cầm cập như người bị bệnh sốt rét.
Tính khí thì bất ổn, con cái không làm gì cũng quát thóa ầm ỹ, thậm chí tôi đánh cả con luôn vì nhưng lỗi lầm nó không gây ra. Đại loại, tôi có rất nhiều “triệu chứng” của “căn bệnh thế kỷ” AIDS nếu phỏng theo cái kiến thức về y học mà tôi đọc được trên tờ báo y khoa điện tử nổi tiếng WebMD. Khi tôi đến khám ở bác sỹ gia đình (những người này ở Mỹ thường khám y khoa tổng quát), bác sỹ cũng nghi ngờ điều đó có thể xảy ra và khuyên tôi đi thử HIV.
Điều này làm tôi chán nản vô cùng, chẳng biết tâm sự cùng ai. Bởi vì chưa tâm sự gì bạn bè đã có người nói: “Chắc nó về Việt Nam bi lây AIDS quá, chứ không sao trông thê thảm vậy”, “đáng đời thằng này cũng ăn chơi lắm”… Đại loại các câu nói kiểu đó càng làm cho tinh thần tôi suy sụp thêm, không làm việc được, chán nản, bỏ bê tất cả, trầm uất nặng nề. Tôi đã có gia đình, con cái. Vợ tính hay ghen bây giờ biết ăn nói sao. Mình thì sắp chết, vợ con thơ dại. Vợ tôi chưa bao giờ đi làm, con thì còn nhỏ, cuộc sống nơi đây lại đắt đỏ. Điều đó càng làm cho “trái núi Thái Sơn lo lắng” đè nặng hơn lên cái tinh thần đã quá èo uột của tôi.
Có những lúc tôi cũng nghĩ là chết quách đi cho rồi. Nhưng nếu tôi chết đi thì vợ con tôi sẽ ra sao? Ba mẹ tôi sẽ đau khổ biết nhường nào? Như ai vẫn thường nói, người sắp chết thường hay mơ về quá khứ, tôi cũng vậy. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy cuộc sống của tôi đã khá toai nguyện. “Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống cũng chẳng ai bằng mình”, cứ với cái lối suy nghĩ kiểu “trung dung” như vầy, tôi đi đến kết luận rằng chết bây giờ cũng chẳng có gì là ân hận cả.
Từ chỗ lo sợ cái chết, tôi đi đến xác định chết cũng không sao, điều đó chẳng có gì đáng sợ cả. Vấn đề là từ giờ đến lúc đó cần phải làm những gì, làm ra sao, và cứ thế tôi suy nghĩ, vạch kế hoạch, đại loại là luôn luôn giữ cho đầu óc tôi bận rộn mà không có thời gian nghĩ về “cái chết” nữa. Tôi đi đăng ký mua bảo hiểm nhân thọ, việc mà trước nay tôi không bao giờ nghĩ đến, để bảo đảm tương lai cho vợ con, và một phần để gọi là “báo hiếu” cho ba mẹ. Sau cùng để cho bản thân tôi có được cảm giác thanh thản là nếu tôi có mệnh hệ gì, gia đình tôi vẫn được bảo đảm về tài chính.
Điều này chính là bước ngoặt trong “trận chiến” đối mặt với cái chết của tôi. Từ ở chỗ lo lắng, chán nản, tôi chuyển sang cảm thấy được thanh thản. Tôi đã chút được cái lo lắng nhất của tôi. Tôi cảm thấy rằng tôi vẫn bảo vệ được gia đình. May mắn hơn, tôi có được sự quan tâm, động viên, khích lệ của vợ tôi. Tôi tìm thấy lại được sự hồn nhiên, trong sáng trong những nụ cười của con tôi. Tôi thấy được cái giá trị dưỡng dục của ba mẹ tôi. Sau khi chuẩn bị xong tất cả tôi quyết định đi xét nghiệm. Nói thật là lúc trước tôi không có can đảm đối đầu với cái chết, cho nên tôi không dám đi xét nghiệm. Tôi suy nghĩ rằng đi xét nghiệm có khác gì đi nhận lấy bản án tử hình đâu. Bạn nghĩ sao khi có ai đó bảo bạn sắp chết?
May mắn thay, kết quả xét nghiệm của tôi là âm tính. Nhưng đúng là tôi đã bị lây bệnh lao, bị tràn dịch màng phổi. Sau khi điều trị xong, sức khỏe tôi bình thường trở lại.
Tôi hy vọng câu chuyện trên đây sẽ giúp được em Linh có những suy nghĩ tích cực, và điều quan trọng phải có được một tâm hồn thanh thản, phải có tinh thần chủ động đón nhận lấy những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Phải cho rằng “cái chết” cũng là lẽ tự nhiên không có gì đáng sợ cả. Còn bây giờ điều em cần phải làm là đi xét nghiệm xem thực hư ra sao, đừng để cho bộ óc tưởng tượng phong phú của loài người đưa em vào cuộc phiêu lãng của nó. Chúc em gặp nhiều may mắn.
Chuyện thứ Hai: Ghen 
Như tôi đã nói ở trên tính vợ tôi rất hay ghen. Và bà xã của tôi rất ủng hộ chị Tường Vi ghen với quá khứ của chồng. (Nàng cũng là một đọc giả thường xuyên của VnExpress). Nàng được dịp để nói: “Đấy anh thấy chưa. Ớt nào mà ớt chẳng cay, vợ nào mà chẳng hay đi ghen chồng”. Nhưng hỡi ôi! Vợ tôi không những chỉ ghen về quá khứ, ghen hàng ngày (thì hiện tại), ghen những chuyện không đâu, mà còn ghen cả trong tương lai, và đặc biệt hơn ghen cả trong giấc mơ. Chuyện là như sau:
Trước khi lập gia đình, tôi sống khá tự do, thoải mái. Tôi quen biết nhiều cô gái có thể nói là từ nhiều nước trên thế giới, từ nhiều các sắc tộc, màu da, tôn giáo. Tôi quen biết nhiều người mẫu thời trang và các người đẹp. Khi tôi và vợ tôi quen nhau, nàng đến nhà tôi chơi có giở album ảnh ra xem và nàng ghen với những bức ảnh đó. Nàng nói với một tông giọng cao vút: “Sao mà âu yếm thế!”, rồi “Sao không còn yêu người ta mà vẫn còn giữ ảnh làm gì?”… Và kết cục là bây giờ những bức ảnh đó ở đâu tôi cũng không biết nữa.
Hoặc trong các buổi tiệc tùng thết đãi, vì lý do công việc hay cũng như phong cách là tôi thường đi nói chuyện với tất cả mọi người trong buổi tiệc, nàng thường than vãn: “Anh suốt ngày bỏ em một mình”. Tính tôi thoải mái, hay chiều chuông mọi người, ví dụ như tôi đi công tác ở đâu về, tôi thường mua tặng mỹ phẩm, thời trang cho các bạn bè ở cơ quan, cho cả nam lẫn nữ. Tôi cho rằng mua tặng thỏi son cho cô bé lễ tân, hộp phấn cho chị tạp dịch là chuyện bình thường. Tôi hoàn toàn không có ý nghĩ gì cả. Tôi chỉ cảm thấy vui khi làm cho người khác vui nhưng nàng cho rằng không được. “Nếu anh không có ý gì thì không nên làm như thế. Anh không có ý thì người ta có ý. Mà như thế là không được”. Cứ như vậy mà nàng lý luận.
Đó là chuyện khi yêu. Vậy mà có thể do duyên số chăng, tôi lại cảm thấy rất cần nàng. Có thể nói nàng không đẹp như những cô gái tôi quen biết, nhưng chúng tôi vẫn đi nửa vòng trái đất để đến với nhau. Đến khi lập gia đình đã có với nhau một con, nhưng mỗi lần tôi đi đâu về muộn là nàng yêu cầu phải gọi điện thoại thông báo với nàng. Nàng lý luận rằng: “Em sợ anh làm sao”, rồi “nhỡ có chuyên gì xảy ra với anh thì sao?”. Tôi có việc phải đi ra ngoài buổi tối là nàng hỏi “đi đâu, đi với ai, làm gì?”. Tôi cự lại, nàng lý luận: “Em là vợ anh. Em cần phải biết. Bạn anh cũng như bạn em. Nếu anh không có gì thì có gì phải giấu”.
Nhưng em đâu có biết rằng tôi chẳng giấu diếm gì cả. Tôi chỉ cảm thấy tôi không cần thiết phải làm vậy. Hễ bước ra khỏi nhà phải xin phép vợ hay sao? Và nếu tôi có làm sao thì tôi cũng gọi điện báo cho em biết. Chính vì vậy em nói cứ nói, việc tôi, tôi cứ làm miễn là không cảm thấy có gì sai sót với vợ con. Mấy lần đi tiệc tùng về muộn, đi với em vợ, cậu ta vào nhà trước, tôi phải đậu xe vào sau. Nghe cậu em vợ trêu chị gái: “Anh ý hôm nay ngủ lại trên Boston rồi” là lập tức đủ các loại chất vấn, rồi nàng bỏ vào phòng ngủ đóng cửa đánh dầm một cái. Hai anh em ôm bụng lăn ra cười. Nàng nói rằng nếu tôi không về là nàng không ngủ. Đó là lý do tại sao những lần tôi đi công tác xa về là thấy hai mắt nàng thâm quầng.
Tôi có đi công tác ở Việt Nam thì không được ngủ khách sạn phải đến ngủ ở nhà nàng. Vì lý do kinh doanh, trong các buổi tiệc thường có các người đẹp và hoa hậu, thông tin lập tức được chuyển đến nàng và lập tức là các câu hỏi chất vấn xuyên lục địa. Và đến khi tôi quay trở lại Mỹ, nàng cũng vẫn hỏi đi hỏi lại là: “ thật không có gì không?”.
Còn chuyện sau chắc chắn sẽ là “chuyện thật như bịa”. Có một đêm, nàng đang ngủ, tôi vẫn làm việc máy tính ở phòng làm việc. Khoảng 2-3 giờ sáng, nàng chạy sang văn vẹo tôi về chuyện đàn bà, con gái. Làm tôi ngớ hết cả người không hiểu vợ nói gì, nói về ai. Nàng cũng không cho tôi hỏi là nàng nói về cái gì. Sau khi nói một thôi một hồi, nàng mới kết luận một câu rằng: “Đấy là em cứ nói trước như thế, để sau này anh khỏi như vậy. Không thì lại bảo em không nói”. Lúc này tôi mới té ngửa ra, hóa ra nàng ngủ mê là tôi có vợ bé ở Việt Nam. Chuyện nàng ghen trong giấc mơ làm cho tôi cười một trận gần chết. Nàng càng hỏi tại sao tôi cười, có gì mà buồn cười, tôi lại càng cười. Đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại chuyện này tôi vẫn còn thấy buồn cười.  
Chuyện thứ Ba: Đàn ông làm việc gia đình
Tôi có đọc thấy nhiều chị em kêu ca về việc đàn ông không chia sẻ việc gia đình cũng như thực trạng xã hội bất bình đẳng giữa nam và nữ. Hay nói cách khác là phong tục “trọng nam khinh nữ” vẫn hiện diện trong xã hội. Tôi chứng kiến có rất nhiều bạn không làm gì cả, suốt ngày đi chơi, tụ tập với bạn bè, giữ lối sống độc thân mặc dù đã lập gia đình. Một số anh còn lấy vợ, sinh con, đẻ cái nhưng ông bà nuôi. Tất nhiên không phải là đại đa số đàn ông Việt Nam là vậy, nhưng có thể nói có một mảng xã hội.
Điều này có thể không phải người đàn ông muốn vậy mà do thói quen, sự giáo dục, sự chấp nhận của phái nữ cũng như truyền thống đảm đang của phụ nữ Việt Nam, cách nhìn của xã hội cho chuyện đó là chuyện bình thường, chuyện nội trợ gia đình là chuyện của đàn bà, con gái, còn “nam nhi đại trượng phu là phải làm chuyện lớn”. Tất cả những điều đó vô hình chung làm cho anh em “ngại” giúp việc nhà hơn. Từ bé, bố mẹ sợ con trai khổ, không bắt làm việc gì cả. Nếu cần gì gọi mẹ, gọi chị là được. Lớn lên, tâm lý bố mẹ kén con dâu là ngoan hiền, chăm chỉ, tháo vát, đảm đang để cho con trai mình được sướng. Tâm lý của nhiều bạn thì cho rằng làm việc nhà là “không đáng mặt”, là mất thể diện với bạn bè.
Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi cách suy nghĩ, lối sống. Tôi cũng chứng kiến rất nhiều đàn ông nấu ăn, làm việc nội trợ. Điển hình như cha tôi. Tất nhiên mẹ tôi vẫn là người lo lắng tất cả những việc hậu cần. Nhưng cha tôi mỗi khi nào ông rảnh rỗi, ông vẫn thường làm việc nhà và nấu nướng cho chúng tôi ăn. Đến khi tôi lớn lên, có gia đình riêng của mình, tôi cho rằng việc đó là bình thường. Tôi cũng sẵn sang lao vào bếp nấu ăn, đi chợ, quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, tắm rửa, thay tã cho con cái… Tôi cho rằng đó là trách nhiệm của mình mặc dù tôi là người duy nhất đi làm trong gia đình, vợ tôi ở nhà chăm sóc con cái.
Nếu các bạn bận rộn quá không giúp được cho gia đình thì tôi cũng khuyên các bạn thử tập nấu một món ăn gì trong ngày sinh nhật vợ hoặc làm chân phục vụ mở cửa, mời nước khi bà xã có bạn tới chơi. Điều đó rất nhỏ nhưng chẳng đáng để cho “nửa kia của cuộc đời” bạn hạnh phúc hay sao? Làm cho ai đó vui mình còn thấy hạnh phúc, huống hồ chi là làm cho gia đình mình, cha mẹ mình, vợ con mình cảm thấy hạnh phúc. Và theo tôi thấy nếu bà xã cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy hạnh phúc sẽ quay sang phục vụ các đức ông chồng tốt hơn.
Trên đây chỉ là quan điểm cá nhân của tôi. Tôi chỉ muốn chia sẻ quan điểm của mình và tất nhiên, đôi lúc mệt mỏi quá tôi cũng thường ao ước được trở về Việt Nam sống cuộc sống nhẹ nhàng bình dị, được tụ tập với bạn bè, đi đá bóng, đánh tennis để rồi sau đó lại xà vào hàng bia hơi tán phét. Nhưng kìa thằng con thứ hai mới đẻ lại khóc lóc, tôi phải trở về với thực tế là đi xem cháu tại sao lại khóc, cháu đói cần ăn, hay tã ẩm ướt cần thay. Vợ vắng nhà. Biết làm sao bây giờ, phải làm thôi. Tạm biệt các bạn.
Thân chúc tất cả các bạn nhiều may mắn trong cuộc đời. Chúc VnExpress gặt hái được nhiều thành công và trở thành website có nhiều người truy cập nhất.

Close [X]
1gom
1gom