Iraq – đối thủ khó chơi của Mỹ (phần II)

Sự xuống dốc của quân đội Iraq sau chiến tranh vùng Vịnh
Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1991, những cuộc nổi dậy liên tục của người Shiite và người Kurd chứng tỏ Iraq không thể dựa vào lượng quân dự trữ và khả năng động viên lớn. Nước này đã phải giảm thiểu số binh lính trong quân đội. Những lực lượng còn lại vì thế thường xuyên bị huy động mỗi khi có bất cứ mối đe dọa nào, dù là nhỏ.
Quan trọng không kém là việc Tổng thống Saddam Hussein đã mất một diện tích lớn đất đai của người Kurd nằm trong lãnh thổ Iraq. Việc này khiến ông phải triển khai một lượng lớn quân đội tại vùng ranh giới với khu vực an ninh của người Kurd. Trong 4 năm trời, Iraq bị cuốn vào vô số cuộc chiến nhỏ với các nhóm nổi dậy người Shiite ở phía nam nước này, đặc biệt là cuộc kháng chiến dai dẳng của nhóm nổi dậy có tên Hakim, do Iran tài trợ. Ảnh hưởng lâu dài của cuộc chiến vùng Vịnh khiến Tổng thống Hussein phải liên tục giảm biên chế trong quân ngũ. Giờ đây, quân đội Iraq chỉ có mục tiêu chính là bảo vệ chính quyền.
Vũ khí “cổ lỗ sĩ”
Ủy ban Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (UNSCOM) vào khoảng thời gian từ năm 1991 tới năm 1997 đã thành công trong việc loại bỏ phần lớn tên lửa đạn đạo, các loại vũ khí hóa học và sinh học của Iraq. Số vũ khí và trang thiết bị của Iraq mà UNSCOM loại bỏ có giá trị lên tới hàng tỷ USD.
Đồng thời, việc cộng đồng quốc tế hạn chế xuất khẩu các loại vũ khí và công nghệ cho Iraq cũng có ảnh hưởng trên diện rộng. Trong khi Mỹ chi hàng tỷ USD để nâng cấp quân đội vốn đã hiện đại của mình, thì Iraq lại bế tắc, không cải tổ nổi quân đội. Vũ khí nhập lậu tuy còn, song Iraq không thể dựa vào nguồn đó để đảm bảo sức mạnh cho lực lượng quân đội của mình. Tất cả những gì mà Baghdad nhập về trong giai đoạn 1990-2001 là những bộ phận tách rời của các loại vũ khí. Số trang thiết bị đó không đủ để đáp ứng nhu cầu tái thiết quân đội của Iraq như thời kỳ trước chiến tranh vùng Vịnh bởi để làm được như vậy, họ cần ít nhất 25-30 tỷ USD để mua các loại vũ khí mới.
Ít nhất 50% số quân của Iraq là những đơn vị dự bị, gồm toàn quân mới tuyển và rất nhiều người trong số đó thuộc tộc Shiite không mấy trung thành với Baghdad. Khoảng 50% những vùng đất chiến lược của nước này là do những đơn vị bộ binh được huấn luyện kém trấn giữ và chỉ một trong số 7 quân đoàn của nước này có đủ khả năng tham gia các hoạt động quân sự, bao gồm cả phòng thủ và tấn công. Kể từ năm 1991, quân đội Iraq chỉ có một vài cuộc tập trận lớn và việc điều hành các buổi tập trận ấy cho thấy Iraq chưa có cải tiến đáng kể trong hoạt động tác chiến. Ngay cả những chiếc xe tăng T-72 được bảo dưỡng thường xuyên của họ cũng không phải là đối thủ ngang hàng với những chiếc tăng M-1 theo mẫu cũ của quân đội Mỹ, từng được dùng trong chiến tranh vùng Vịnh.
Iraq thiếu trang thiết bị kỹ thuật dùng trong những cuộc chiến trên không, cả trong phòng vệ và tấn công. Chỉ khoảng 1/3 số máy bay của họ là thuộc loại hiện đại, như Su-20, Mirage F-1, Su-24, MiG-25 và MiG-29. Và số đó đều là những mẫu máy bay cũ của những năm 1970-1980. Chúng không hề được trang bị những thiết bị điện tử hay đạn dược mới. Dù có một số phi công trình độ cao, công tác huấn luyện cho lực lượng không quân của Iraq rất hạn chế, không thực tế và thiếu hoàn chỉnh.
Liên Hiệp Quốc đã thiết lập các vùng cấm bay và hạn chế sự di chuyển của các đơn vị quân đội Iraq. Điều đó hạn chế việc khôi phục khả năng chiến đấu của bộ binh và không quân. Chỉ duy nhất lực lượng phòng không trên mặt đất của Iraq là còn hoạt động có hiệu quả trong giai đoạn này. Đây là binh chủng được nâng cấp nhiều sau chiến tranh vùng Vịnh. Đặc biệt, họ được bổ sung các trang thiết bị viễn thông và tiến hành cải cách về khả năng quản lý. Tuy vậy, trong nửa thập kỷ qua, các đơn vị này đã trở thành mục tiêu quen thuộc của không quân Anh – Mỹ và dù được coi là hiện đại, những gì họ có chỉ là tiến bộ kỹ thuật của thập kỷ 70.
Những tên lửa phòng không hạng nặng của Iraq có thể được nhanh chóng phân tán và che giấu tại các khu dân cư đông đúc. Nhưng chúng không thể được tập trung và triển khai nhanh chóng để bảo vệ những mục tiêu trên mặt đất mà không bị các lực lượng của Mỹ phát hiện. Chỉ có số tên lửa đất đối không tầm ngắn và súng phòng không của Iraq là thực sự có khả năng thoát khỏi những cuộc tấn công của Mỹ. Chỉ có điều, những trận chiến tại vùng Vịnh, Kosovo cũng như ở Afghanistan cho thấy, quân đội Mỹ hầu như không gặp phải khó khăn gì trước sự phản công của các loại vũ khí đó.
Còn tiếp
Xuân Tùng (theo CSIS)
Phần I
 

1gom