Hoàng Anh Gia Lai đã bị lộ ’tử huyệt’

HLV phó, kiêm đội trưởng Kiatisuk (trắng), đã không thể giúp gì nhiều cho HA Gia Lai ở ba trận không thắng vừa qua.

Mùa trước, Hoàng Anh Gia Lai bảo vệ chức vô địch bóng đá Việt Nam một cách khá dễ dàng. Có lẽ vì thế nên họ rất tự tin tạo ra sự biến động lớn về lực lượng. Trung vệ Mạnh Dũng và hậu vệ cánh Minh Đức chuyển tới Đà Nẵng. Tiền vệ con thoi Hữu Đang đến Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn, còn Quang Trường khoác áo Hòa Phát Hà Nội. Nhưng sự ra đi hàng loạt này đã góp phần phá vỡ tính ổn định trong lối chơi của đội bóng phố núi. Không còn những cầu thủ này, đội bóng cao nguyên buộc phải lệ thuộc hơn nữa vào dàn ngoại binh đến từ Thái Lan. Họ vẫn còn đó Kiatisuk, Tawan, Dusit, và nay thêm tân binh Vimon Juncum – Vua phá lưới Thai League 2003 và 2004, trung vệ Choke Promrut. Tuy nhiên, các vệ tinh xung quanh những ngôi sao này lại có trình độ không tương xứng. Tấn Thật, Bá Khôi, Minh Hải, Văn Đàn, Việt Anh,… chưa phải là sự thay thế hoàn hảo cho các vị trí đã rời đội.

Kết quả của HAGL ở 5 vòng đầu

Hoàng Anh Gia Lai khởi đầu mùa bóng mới bằng hai chiến thắng liên tiếp khá ấn tượng trước Bình Định (2-0) và Sông Lam Nghệ An (3-1) tại V-League. Trước đó, họ cũng giành Siêu Cup quốc gia một cách thuyết phục. Những kết quả khởi đầu như mơ này khiến niềm tin “thay máu” của HAGL càng được củng cố. Trong hai trận thắng ở đầu giải V-League 2005, người hâm mộ đội bóng vẫn còn thấy được tính hiệu quả, hoa mỹ của “Zico” Thái – Kiatisuk, sự năng nổ của Văn Đàn, chắc chắn trong phòng ngự của Duy Quang,…
Mặc dù vậy, đến trận hòa 1-1 với Đà Nẵng ngay tại Pleiku thì điểm yếu về thể lực của Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu bị khai thác. Trong trận đấu ngẹt thở đó, đội bóng phố núi thi đấu rất vất vả trước chiến thuật chơi áp sát trên toàn mặt sân của đối phương. Họ hoàn toàn lúng túng khi Đà Nẵng quyết ăn thua đủ bằng cách đua tranh thể lực, tranh bóng quyết liệt suốt 90 phút của trận đấu. Tuy nhiên, sau trận hoà đó, những người hâm mộ có tinh thần lạc quan của đội “gỗ” vẫn cảm thấy không có gì đáng lo ngại. Đơn giản bởi Đà Nẵng cũng được xếp vào hàng ứng viên mùa này, sở hữu rất nhiều tuyển thủ và cựu tuyển thủ quốc gia Việt Nam trong đội hình, và có trong tay cả bộ đôi sát thủ Amaobi, Achilefu – hai vua phá lưới của hai kỳ V-League liên tiếp. Ngoài ra, Đà Nẵng còn được dẫn dắt bởi HLV tài năng Lê Thụy Hải. Nhưng ở vòng tiếp theo, cũng ngay tại Pleiku, HAGL lại bị Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn cầm hoà không bàn thắng.
Giới chuyên môn bắt đầu vào cuộc để mổ xẻ nguyên nhân bế tắc (có thể coi là thất bại) của HA Gia Lai. Đa số đều cho rằng Kiatisuk, Tawan, Quang Trãi, Dusit, Văn Đàn không bảo đảm hiệu suất hoạt động cao trong suốt thời gian thi đấu chính thức. Kiatisuk vẫn rất khôn ngoan khi phân sức hợp lý tùy thuộc diễn biến trên sân, nhưng một mình anh không thể kham cả phần việc cho đối tác trên hàng công là Minh Hải – cầu thủ đang xuống phong độ. Ngoài các cầu thủ Thái Lan có trình độ kỹ và chiến thuật tốt, thì các nội binh còn lại trong đội hình chính của đội bóng cao nguyên hiện nay đều chỉ ở mức bình thường về kỹ thuật, và qua rồi thời kỳ sung mãn về thể lực. Quang Trãi, Văn Đàn, Minh Hải có kỹ thuật cơ bản không ổn định, nên thường xuyên để mất bóng. Họ chỉ còn biết bù lại bằng sự nhiệt tình cho khoảng thời gian có mặt trên sân.
Đỉnh điểm của sự bất ổn về chiến thuật, thể lực của HA Gia Lai là trận thảm bại 1-3 trên sân Gò Đậu của Bình Dương cuối tuần qua. Lối chơi quá phụ thuộc vào dàn sao Thái Lan ở tuyến giữa và hàng công của Hoàng Anh Gia Lai dễ dàng bị bộ đôi HLV Vương Tiến Dũng – GĐKT Trần Văn Phúc của Bình Dương bắt bài. “Chelsea Việt Nam” chỉ cần đẩy nhanh tốc độ trận đấu ngay từ đầu, bố trí các cầu thủ có kỹ thuật cá nhân điêu luyện, tốc độ cao như Phalini, Kesley là hàng thủ “chân gỗ” của Hoàng Anh Gia Lai lập tức bị chóng mặt, đặc biệt là khi vắng thủ môn Văn Hạnh và trung vệ Duy Quang. Những hướng triển khai tấn công lệ thuộc vào vị trí của Kiatisuk, khả năng chồng cánh của Dusit và các đường chuyền của Tawan không qua được những cặp mắt lão luyện của ban huấn luyện đội Bình Dương. Cách triển khai hãm thành của HAGL giờ đây không còn nhiều yếu tố bất ngờ, thậm chí tỏ ra đơn điệu và bế tắc trước các đội chơi phòng ngự với số đông.
Bình Dương đã thành công mỹ mãn cùng lối đá áp sát với tốc độ cao để hạn chế tầm hoạt động của các cầu thủ HA Gia Lai. Do đó, rất có thể các đối thủ tiếp theo của nhà đương kim vô địch như Delta Đồng Tháp, Gạch Đồng Tâm… cũng sẽ tiếp tục dùng “chiêu” này để gây khó dễ.
Chặng đường phía trước của V-League 2005 còn rất dài, nên mấy vòng đấu vừa qua chưa thể phản ánh chính xác thực lực, sức bền của HA Gia Lai. Tuy nhiên, đội bóng của “bầu” Đức cần phải nhanh chóng lấy lại phong độ và lối chơi hiệu quả, bằng không sẽ bị các thế lực mới như Bình Dương, Đà Nẵng vượt qua. Mùa trước, khi bảo vệ thành công ngôi quán quân V-League, HA Gia Lai đã thi đấu mạnh mẽ và ổn định ngay từ đầu giải.
Hiện nay, ngoài khó khăn ở V-League, Hoàng Anh Gia Lai còn đang phải cố gắng cân đối lực lượng, dành thể lực cho các trận đấu ở Champions League châu Á, và cả Cup C1 Đông Nam Á – đấu trường mà họ đặt tham vọng cũng rất cao. Vì thế, nếu muốn tiếp tục thành công như trong thời gian qua, Hoàng Anh Gia Lai cần phải củng cố một cách toàn diện về lực lượng, hơn là chỉ dựa vào ngoại binh Thái Lan như hiện nay. Bởi Kiatisuk, Tawan và Dusit đều đã có dấu hiệu của sự mệt mỏi vì tuổi tác, nhất là khi giáp mặt những đội bóng dụng lực.
Nguyễn Tuấn

Xếp hạng V-League 2005 (sau 6/3)
Close [X]
1gom
1gom