Bush đi đến quyết định chống Iraq như thế nào? (1)

Câu chuyện này trích từ cuốn “Bush at War” của ký giả Bob Woodward, trợ lý chủ bút tờ Washington Post. Nội dung cuốn sách dựa trên những ghi chép trong hơn 50 cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, với nhiều trích dẫn trực tiếp những lời nói của Tổng thống Bush và các thành viên chính phủ.
Phần 1
Giành giật trái tim và khối óc ông Bush
Về cơ bản, Powell có cùng quan điểm này. Ông chưa trình bày rõ những suy ngẫm và kết luận của mình cho Tổng thống George W. Bush, nhưng vẫn nghĩ rằng chắc chắn phải làm điều đó. Trên chuyến bay nửa vòng trái đất về nhà, Powell ghi vội những điều sắp nói ra giấy. Hiển nhiên là mọi cuộc bàn luận ở Hội đồng An ninh Quốc gia giờ đều tập trung vào kế hoạch chiến tranh – tấn công thế nào, bao giờ, triển khai bao nhiêu binh lực, dàn cảnh tác chiến thế này hay thế kia. Ngoại trưởng biết rõ rằng bối cảnh để ông trình bày quan điểm là không thuận lợi. Những ghi chú viết trên máy bay dài quãng 3-4 trang.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh 1991, là tham mưu trưởng liên quân, Powell đã đóng vai trò của một chiến binh ngần ngại. Ông nói với tổng thống Bush cha – người đứng đầu Nhà Trắng lúc ấy – với giọng rất đỗi mềm mỏng, rằng có lẽ bao vây Iraq là đủ, không cần đến chiến tranh. Nhưng với tư cách là cố vấn quan trọng nhất về quân sự, Powell không nêu quan điểm này một cách quyết liệt, bởi nó mang tính chính trị nhiều hơn quân sự. Giờ đây là Ngoại trưởng, lĩnh vực hoạt động của Powell là chính trị – nền chính trị của thế giới. Ông quyết định phải rõ ràng mọi chuyện, để không ai còn nghi ngờ quan điểm của mình. Tổng thống Bush đã nghe quá nhiều từ Phó tổng thống Cheney và Bộ trưởng quốc phòng Rumsfeld – được coi là bên A trong nội các. Powell muốn làm bên B, đưa ra cách nhìn nhận tình hình mà ông tin là chưa ai nói đến. Ông sẽ nói nhiều hơn những gì đã có trong các slide.
Về đến Washington, Powell vội thông báo với cố vấn an ninh Rice rằng ông muốn gặp Tổng thống. Ông đã qua một con đường dài và đầy trở ngại trước khi tới quyết định này. Trong những tháng đầu ở ghế ngoại trưởng, Powell chưa bao giờ tỏ ra thân cận với Bush. Hai người không bao giờ có cảm giác thoải mái mà thông thường vẫn có với những người khác.
Thậm chí ngay sau cuộc tấn công khủng bố vào Trung tâm thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc, Powell đôi khi vẫn bị cô lập về mặt chính trị, và Nhà Trắng luôn gạt ông ra khỏi những cuộc đối thoại trên truyền hình. Powell và cấp phó, đồng thời là người bạn thân thiết nhất, Richard Armitage, thường đùa với nhau rằng Ngoại trưởng đã được cho vào một “hộp lạnh” – chỉ được lôi ra lúc cần thiết.
Đầu tháng 10/2001, Nhà Trắng yêu cầu Armitage tổ chức một loạt talkshow trên truyền hình. Thứ trưởng ngoại giao không muốn làm như vậy nên đã từ chối. Khi bị ép, Armitage tìm Powell và nói: “Này, anh xem, đó chẳng phải là việc của tôi”.
“Dào, tôi lại bị cho vào hộp lạnh rồi”, Powell đáp. Cũng có thể lý do là Ngoại trưởng đang phải tập trung viết tài liệu về các chứng cứ chống Osama bin Laden. “Tôi còn phải viết cho xong, anh cứ làm đi nhé”, ông ta nói với Armitage.
Ngày 3/10, Armitage buộc lòng xuất hiện trên chương trình của ABC và CNN.
Một trong những khó khăn lớn nhất đối với Powell là ông phải tỏ trước công chúng rằng không có sự chia rẽ sâu sắc nào trong nội các. Tổng thống chắc chắn không dung thứ việc để lộ sự xích mích. Powell còn vướng phải chính nguyên tắc của mình – sự tuân lệnh của một quân nhân.
Có thể, Bush sẽ ra lệnh theo kiểu Texas “lấy súng, lên ngựa đi” – kiểu mà Powell ghét cay ghét đắng. Nhưng Ngoại trưởng tin rằng Tổng thống sẽ nhận thấy chính sách đơn phương “một mình mình làm” sẽ không trụ được trước sự phân tích phải trái thiệt hơn. Thế nhưng, bóng ma ám ảnh suy nghĩ của Powell không phải là ông Bush, mà là Rumsfeld (Bộ trưởng Quốc phòng) và Cheney (Phó tổng thống).
(Còn tiếp)

1gom