Mỹ Duyên – giấc mơ ballet đã tắt

Diên xviên Mỹ Duyên.
Diễn viên Mỹ Duyên.

Năm 1982, cùng với bốn bạn nhỏ khác, cô bé Mỹ Duyên, khi đó mới 10 tuổi, được gửi sang Saint Peterburg để theo học múa ballet. Tám giờ ăn sáng, chín giờ học, mỗi ngày chín tiết luyện tập, không còn thời gian để mà hờn dỗi, nhớ nhà nữa.  
Duyên bảo lúc đó đi Liên Xô học thích lắm. Bọn trẻ được bao bọc, được nuôi dưỡng rất đầy đủ. Ai cũng nghĩ rằng chúng sẽ rất nhớ nhà. Nhưng những đứa trẻ đã bị một thứ “ma thuật” xa lạ nào đó chinh phục nên chúng háo hức tò mò, chẳng mấy khi nhớ đến gia đình. Duyên học nhanh lắm. Có lẽ nghệ thuật ballet phù hợp với lối sống luôn có chiều hướng khép lại của cô.
Đi học xa nhà từ khi 10 tuổi, bốn năm mới được về một lần, nhưng Duyên thú nhận, nỗi nhớ nhà chỉ thật sự nung nấu cô vào năm thứ bảy, khi Duyên mười bảy tuổi, cái tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ. Khi ấy, tâm hồn thực sự bừng nở và như lẽ tự nhiên, nó hướng về nơi sinh ra nó.
Duyên bắt đầu được phân vai trong các vở ballet thể nghiệm của trường. Một lần, cô được phân vai múa đôi cùng với một diễn viên cùng khóa người Belarus. Chàng trai ấy có đôi mắt sâu thẳm và một hình thể tuyệt vời như thể sinh ra để múa. Hai người trở thành bạn diễn ăn ý.  
Nghệ thuật múa đôi rất lạ, dường như rất ít đôi không… yêu nhau. Trong sự va chạm nhẹ nhàng, âm nhạc xiết hai người lại với nỗi biểu cảm nghệ thuật, trái tim thật khó từ chối sự run rẩy. Duyên cũng vậy. Diễn viên ballet đời sống nội tâm càng mạnh thì họ càng đóng kín tâm hồn mình. Sau này, Duyên kể lại rằng, người bạn múa đôi kỳ diệu đó chính là rung động đầu đời của cô.  
Học xong, Duyên ký hợp đồng biểu diễn với một nhà hát để có cơ hội học tiếp ở Liên Xô. Người phụ trách nhà hát nói thẳng, cô sẽ không thể được phân vai chính vì vóc người nhỏ, lại là người nước ngoài, nhưng họ sẽ để Duyên múa trong tốp hai-ba người.
Năm 1990 là năm đầy biến động ở Liên Xô, môi trường sống không an toàn. Mẹ cô muốn con gái trở về quê. Lần về quê ấy cũng là lần Duyên từ giã sân khấu ballet. Đơn giản là vì khi cô về chẳng có nơi nào biểu diễn cả.
Nghệ thuật ballet rất kén công chúng bởi nó dựa trên những cử chỉ ước lệ có sẵn. Để hiểu được tiếng nói của môn nghệ thuật này, người thưởng thức cũng cần học những quy ước riêng. Thay vì nói “em yêu anh”, Duyên uốn tay, nghiêng người “diễn” câu nói ấy bằng nghệ thuật ballet. Quả là nhìn cô diễn, thật ít các chàng trai biết được cô đang định “nói”: “Em yêu anh” hay “em chán anh”. Nổi danh qua nhiều bộ phim, Duyên vẫn chưa tìm thấy người đàn ông nghe được tiếng nói trái tim mình. Mỹ Duyên tâm sự cô cũng “chịu khó nói” lắm, nhưng vì trót học “nói” bằng ballet rồi nên chẳng có mấy người hiểu nổi cô.
(Theo Công An Nhân Dân)

1gom