Những lúc rảnh rỗi, anh lại phiêu lưu với thế giới màu sắc của riêng mình. |
– Công việc của nhà biên tập là gì, thưa anh?
– Theo tôi, nhà sưu tập không đơn thuần làm công việc sưu tập hay mua bán tranh mà còn là cầu nối giữa nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật. Họ hiểu những thông điệp người hoạ sĩ gửi gắm qua bức tranh và chuyển đến người mua, tránh cho hoạ sĩ phải đối thoại trực tiếp với khách hàng. Nhiều người làm nghệ thuật cho điều này không cần thiết vì bản thân tác phẩm đã mang tính đối thoại.
– Điều gì khiến anh trở thành nhà sưu tập tranh?
– Khi còn là học sinh cấp 3 ở Hà Nội, tôi được gặp hoạ sĩ Bùi Xuân Phái trong một dịp đến chơi nhà con ông. Đó là lần đầu tiên tôi thấy một thế giới đầy màu sắc, một không gian khác biệt và cuốn hút. Bùi Xuân Phái chưa bao giờ dạy tôi về hội hoạ nhưng những câu chuyện về ông, với ông đã dẫn tôi đến với hội hoạ và hình thành trong tôi một xúc cảm thẩm mỹ. Cũng tại đây, tôi được gặp nhiều hoạ sĩ khác như Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… những người sau này trở thành những tên tuổi lớn, đặt dấu ấn cho nền hội hoạ đương đại. Từ việc cất giữ cẩn thận những bức tranh hoạ sĩ Bùi Xuân Phái cho, tôi lặng lẽ sưu tập tranh của ông và bắt đầu con đường sưu tập của mình.
– Nhiều người nói trong tay anh đang giữ không dưới 4 triệu USD giá trị tiền tranh, có khi nào sự cảm nhận hay linh cảm nghề nghiệp đánh lừa anh?
– Tôi sưu tập từ lúc chưa có thị trường tranh, nói gì đến thị trường tranh giả. Hơn nữa với những tác giả tôi sưu tập, ít nhiều đều có mối quan hệ quen biết với bạn bè và gia đình họ. Tôi đang cố gắng là nhà sưu tập chuyên nghiệp.
– Ngoài đam mê với tranh, anh còn là võ sư môn phái Vĩnh Xuân quyền, phái thiên về nhu. Anh vận dụng cái nhu này trong cuộc sống như thế nào?
– Cái nhu trong võ đã dạy tôi biết điều chỉnh những hành vi ứng xử. Cả trong công việc cũng vậy, biết lúc nào nên cứng rắn, lúc nào nên mềm dẻo, biết kéo căng và cũng biết thả lỏng.
– Không chỉ tập luyện mà anh còn nghiên cứu và truyền dạy võ thuật cho các em khiếm thị, dư luận về việc làm từ thiện có làm anh bận lòng?
– Tôi không thích cách gọi từ thiện, nghe to tát và phô trương quá. Tôi chỉ xem đó là sự cảm thông và chia sẻ. Khi tôi chia sẻ, tôi cũng đã học được nhiều điều từ các em. Đó là nghị lực vượt qua nghịch cảnh, là nỗi khát khao được sống bằng chính sức mình.
(Theo Thời Trang Trẻ)