Một đàn kiến cực lớn đang đe dọa Australia

s
Sự hung hăng tự nhiên giữ cho số lượng cá thể loài trong tầm kiểm soát.

Đàn kiến này vốn có nguồn gốc từ Argentina. Chúng là một trong những “kẻ xâm lược” lãnh thổ ghê gớm nhất trên thế giới. Cũng giống như đồng loại của mình ở Argentina, loài kiến này chỉ sống thành từng đàn nhỏ. Thế nhưng giờ đây, các đàn nhỏ của chúng ở Australia đã sáp nhập thành một đàn khổng lồ. Các chuyên gia lo sợ “đế chế kiến” siêu lớn này sẽ đe dọa sự đa dạng sinh thái trong khu vực.
Tiến sỹ Elissa Suhr từ Đại học Monash, Melburne, cho biết sự cạnh tranh tự nhiên giữa các loài côn trùng tại quê hương Argentina đã giữ cho số lượng của loài kiến này luôn nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng khi sang Australia, một biến cố có lợi cho chúng đã xảy ra.
“Tại Argentina, các đàn kiến chỉ trải dài khoảng 10 mét, khác biệt về gene và rất hung dữ với nhau. Vì thế số lượng của loài kiến này chưa bao giờ bùng nổ và chúng không phải là mối nguy hiểm đối với bất kỳ loài động vật hay thực vật nào. Khi tới Australia năm 1939, một sự thay đổi trong cấu trúc gene đã xảy ra làm thay đổi hành vi của chúng. Chúng không còn hung dữ với nhau nữa. Không có cạnh tranh, không còn bản năng tiêu diệt nhau, loài kiến này sinh sôi nảy nở rất nhanh và tới nay đã trở thành một đàn kiến có quy mô lớn khủng khiếp”, tiến sĩ Suhr nói.
Bà cho rằng loài kiến Argentina đã tiêu diệt các loài kiến địa phương và những loài côn trùng khác, tạo ra mối đe dọa to lớn đối với sự đa dạng sinh học. Thậm chí chúng còn có thể xua đuổi các loài côn trùng địa phương bằng cách chiếm môi trường sống ở đây và săn lùng những loài côn trùng mà kiến địa phương thường dùng làm thức ăn.
Theo tiến sĩ Suhr thì Australia không phải là nước duy nhất bị kiến Argentina xâm chiếm. “Ở California, chúng đã thay thế kiến bản địa, làm giảm sự đa dạng của các loài côn trùng khác, làm ảnh hưởng đến sự phát tán của hạt và thậm chí còn làm giảm số lượng thằn lằn”, bà khẳng định.
Các nhà khoa học Australia đang nghiên cứu các đàn kiến tại Perth và Adelaide. Họ muốn biết cấu trúc gene và hành vi của chúng có giống với kiến ở Melbourne không. Nếu câu trả lời là “có” thì đàn kiến hiện chiếm giữ một diện tích hàng trăm km này có thể bành trướng ra khắp phía nam Australia.
Việt Linh (theo Reuters)
 

Close [X]
1gom
1gom