Gừng vàng – vị thuốc quý

f
Gừng vàng (tên khoa học là Zingibert officinal Rosc) đã được các thầy thuốc phương Đông dùng làm thuốc từ hơn 2.000 năm nay. Trong Đông y, cây gừng cho các vị thuốc sau:
– Sinh khương: Gừng sống, vị cay, tính hơi ôn, có tác dụng tán hàn giải biểu, ấm dạ dày, cầm mửa, tiêu nước, dịu ho. Sinh khương được xếp vào nhóm thuốc phát tán phong hàn.
– Tiên khương: Gừng tươi.
– Khương bì: Vỏ gừng tươi, vị cay mát, có tác dụng hành thủy (dẫn nước) chủ trị các chứng phù.
– Ổi khương: Gừng sống vùi nhẹ lửa cho chín (hoặc nướng chín), có tác dụng ấm bụng, trừ hàn.
– Can khương: Thân rễ phơi sấy khô của cây gừng vàng, khai thác vào mùa đông. Can khương vị cay, tính ôn, có tác dụng ôn trung (ấm cơ thể) trừ hàn, hồi dương, thông mạch, dịu ho, cầm tả, cầm mửa, cầm máu; được xếp vào nhóm thuốc trừ hàn.
– Bào khương: Can khương thái phiến, đem sao cho phồng rộp rồi phun nước cho nguội.
– Thán khương: Còn gọi là hắc khương hoặc gừng cháy. Đây là can khương thái phiến dày, sao cho cháy đen bên ngoài nhưng bên trong còn màu hồng sẫm (gọi là đốt tồn tính). Có tác dụng cầm máu trong các bài thuốc trị băng huyết, thổ huyết, tiêu ra máu, tiểu ra máu, lỵ ra máu…
Sau đây là một số bài thuốc hay từ gừng vàng:
– Trúng phong cấm khẩu: Gừng sống giã nát lấy 30 ml nước, đổ từng thìa vào miệng nạn nhân. Bã gừng đắp hoặc xát vào lòng bàn tay, bàn chân.
– Nôn mửa không cầm (kể cả phụ nữ có thai): Gừng tươi 10 g, bán hạ 10 g, sắc lấy nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.
– Động kinh mãi không tỉnh: Gừng tươi 10 g giã nát, sinh bạch phàn (phèn chua cục) 9 g, trộn kỹ thành hồ rồi thêm 20 ml nước, đổ vào miệng nạn nhân.
– Băng huyết, thổ huyết, tiểu ra máu (do hư hàn): Thán khương tán bột, mỗi lần uống 3-4 g, uống với nước còn ấm.
– Mạch yếu, tứ chi lạnh (dương hư): Can khương 12 g, phụ tử chế 10 g, cam thảo chích 3 g. Sắc uống.
– Phòng chống nôn khi đi tàu, xe: Nhai 1 miếng gừng tươi cạo vỏ (15 g) trước khi lên xe 40 phút. Khi lên xe, ngậm và thỉnh thoảng nhấm nhẹ 1 miếng gừng to.
– Viêm thận cấp ở trẻ em: Vỏ gừng tươi 5 g, ma hoàng 3 g, liên kiều 13 g, xích tiểu đậu 40 g, sắc nước uống ngày 1 thang.
– Đau bụng do cảm lạnh: Gừng nướng 50 g lót giấy hoặc vải, đắp phía dưới rốn.
– Ngoại cảm phong hàn: Gừng sống 10 g, lá tía tô tươi 30 g, phòng phong 10 g, sắc 2 lần lấy 1 bát thuốc (250 ml), chia làm 2 lần uống trong ngày. Hoặc: Gừng sống thái chỉ 10 g, tía tô thái nhỏ 40 g, hành tăm xắt nhỏ, tất cả cho vào bát to, đập 1 quả trứng gà tươi rồi dội cháo loãng đang sôi lên cho trứng chín, đảo đều, ăn nóng mỗi ngày 1 lần.
– Phòng cảm lạnh: Người yếu, người cao tuổi trước khi ra ngoài hoặc tắm gội lúc trời lạnh nên cắt 1 lát to gừng tươi (15 g), cạo sạch vỏ, nhấm nhẹ cho tiết chất cay. Khi quen cay thì nhai nuốt luôn (có phản ứng nấc là tốt).
– Tả: Nướng củ gừng tươi (50 g) vừa chín, cạo vỏ, giã nát, vắt nước, thêm nước sôi để vắt được 30 ml. Uống bằng nước cháo hoặc nước cơm.
DS Trần Xuân Thuyết, Sức Khoẻ & Đời Sống 
1gom