Tính vô hiệu trong giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm

From: Van Dai Do To: luatcanhtranh Sent: Saturday, August 16, 2003 5:10 PMSubject: Cần cụ thể hóa vấn đề vô hiệu của giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm
Tôi cho rằng nên thêm vào khoản 2 Điều 63 đoạn sau: “Các giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm hay gắn liền với các hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm không được miễn trừ thì bị coi là vô hiệu”.
Xin phân tích:
1. Giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm
Trong thực tế pháp lý các nước có nền kinh tế phát triển, tòa án thường xuyên phải tuyên bố vô hiệu một số giao dịch khi chúng là các hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm hay gắn liền với các hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm (để tiện cho việc trình bày tôi xin viết ngắn gọn là các giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm). Như ở Pháp, nhằm có được giấy phép xây dựng cửa hàng tại khu vực thương mại A, doanh nghiệp B cần có sự ủng hộ của một số thương nhân đang tham gia kinh doanh tại khu vực này. Để có được sự ủng hộ của các thương nhân trên, doanh nghiệp B đã phải ký kết với họ một thỏa thuận mà theo đó doanh nghiệp B không được phép thuê các cửa hàng mới xây đối với các mặt hàng đang được các thương nhân trên kinh doanh. Đây là một giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm theo Luật Cạnh tranh của Pháp và đã bị tòa án tuyên bố vô hiệu.
Để đảm bảo tính nghiêm khắc và hiệu quả điều chỉnh của Luật Cạnh tranh Việt Nam, chúng ta có cần những quy phạm cho phép tuyên bố vô hiệu các giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm không? Câu trả lời là có vì “những quy định về tính vô hiệu của giao dịch có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập trật tự kỷ cương xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và nhà nước” (Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 1997, Tập I, tr.145). Luật Cạnh tranh có mục đích bảo vệ và quản lý cạnh tranh lành mạnh nên chúng ta cần có những quy định về tính vô hiệu của các giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm.
2. Dự thảo Luật Cạnh tranh nên cụ thể hóa các quy định về tính vô hiệu của các giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm
Theo khoản 1 Điều 137 và Điều 144 Bộ luật Dân sự Việt Nam, “giao dịch dân sự có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái với đạo đức xã hội, thì vô hiệu”; “giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần của giao dịch vô hiệu”. Tương tự, theo Điều 8, khoản 1 và 2 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, “những hợp đồng kinh tế sau đây bị coi là vô hiệu toàn bộ” hay “từng phần” khi “nội dung hợp đồng khinh tế vi phạm điều cấm của pháp luật” hay “khi nội dung của phần đó vi phạm điều cấm của pháp luật”. Vậy theo pháp luật Việt Nam nói chung thì những giao dịch vi phạm điều cấm có thể bị vô hiệu một phần hay toàn phần.
Theo khoản 2 Điều 63 dự thảo Luật Cạnh tranh, “doanh nghiệp, hiệp hội vi phạm có thể bị buộc áp dụng một hay nhiều trong các biện pháp sau: -d. Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc trong giao dịch kinh doanh; -e. Các biện pháp khác cần thiết để khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi vi phạm”. Vậy dự thảo chỉ cụ thể việc vô hiệu hóa một phần giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm trong khi đó trong thực tế như ví dụ nêu trên, đôi khi chúng ta cần phải vô hiệu hóa toàn bộ giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm.
Khai thác triệt để điểm e khoản 2 Điều 63 Luật Cạnh tranh và pháp luật chung về các giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật như đã trình bày ở trên, chúng ta cũng có thể tuyên bố vô hiệu toàn bộ các giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm. Mặc dù vậy, theo tôi chúng ta nên cụ thể hóa các quy định về tính vô hiệu đối với các giao dịch này vì các lý do chủ yếu sau.
Thứ nhất, vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi mà pháp luật cấm gây ra đã được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự (xem Điều 146, Điều 609 và tiếp theo) nhưng lại được lặp lại trong dự thảo Luật Cạnh tranh (xem khoản 3 Điều 63) – tương tự đối với việc vô hiệu hóa một phần giao dịch bị cấm như đã trình bày ở trên. Ngược lại, vấn đề vô hiệu hóa toàn bộ giao dịch bị cấm được thừa nhận trong Bộ luật Dân sự nhưng lại không được lặp lại trong dự thảo Luật Cạnh tranh.
Việc điều chỉnh không đồng bộ này có thể gây khó khăn cho việc áp dụng Luật Cạnh tranh. Ví dụ doanh nghiệp A cho rằng doanh nghiệp B và C có hành vi cản trở cạnh tranh và yêu cầu tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ giao dịch do B và C thiết lập. Song B và C cho rằng pháp luật cạnh tranh không có quy định cụ thể về tính vô hiệu của giao dịch bị cấm nên A không có quyền yêu cầu tuyên bố vô hiệu giao dịch trên. B và C có thể lý giải như sau: vấn đề bồi thường thiệt hại cũng như vấn đề vô hiệu một phần của giao dịch được được điều chỉnh cụ thể trong Bộ luật Dân sự và được lặp lại trong Luật Cạnh tranh. Nhưng vấn đề vô hiệu toàn phần của giao dịch bị cấm được điều chỉnh cụ thể bởi Bộ luật Dân sự và không được lặp lại trong Luật Cạnh tranh. Điều đó có nghĩa là các nhà lập pháp Luật Cạnh tranh không muốn áp dụng chế tài này vì nếu họ muốn áp dụng chế tài này họ đã làm như vấn đề bồi thường thiệt hại hay vô hiệu một phần giao dịch. Để tránh những tranh luận không cần thiết nhằm cản trở áp dụng luật cạnh tranh, thiết nghĩ nên cụ thể hóa các quy định về tính vô hiệu của giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm.
Thứ hai, việc cụ thể hóa các quy định về tính vô hiệu của giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm có nhiều tác động về mặt tâm lý với các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh. Đối với doanh nghiệp chủ thể của các hành vi cạnh tranh bị cấm, họ sẽ do dự thiết lập các giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm vì họ cho rằng các giao dịch này có thể bị tuyên bố vô hiệu với những hậu quả kèm theo. Đối với các doanh nghiệp nạn nhân của các hành vi cạnh tranh bị cấm, vì họ biết rõ là họ có thể yêu cầu tòa án tuyên bố vô hiệu các giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm nên họ sẽ mạnh dạn tố giác các hành vi cạnh tranh bị cấm. Vậy cụ thể hóa việc vô hiệu hóa các giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm sẽ tăng thêm hiệu quả điều chỉnh của Luật Cạnh tranh.
Dường như cũng vì các lý do trên mà các nhà lập pháp Pháp đã cụ thể hóa rất sớm vào ngay trong các văn bản về cạnh tranh những quy định về tính vô hiệu của các giao dịch hạn chế cạnh tranh bị cấm (xem Điều 50 Nghị định năm 1945, Điều 9 Nghị định năm 1986 và ngày nay là điều L. 420-3 Bộ luật Thương mại), mặc dù các quy phạm về các giao dịch bị cấm nói chung đã được đề cập cụ thể trong Bộ luật Dân sự Napoléon 1804 (xem các Điều 6, 1108, 1128, 1131…).
Mong ban soạn thảo cân nhắc ý kiến của tôi.
Đỗ Văn Đại

Close [X]
1gom
1gom