Gỏi hàu

Những nơi dư thừa thức ăn, người ta dùng ruột hàu nuôi vịt, nuôi heo, nuôi tôm. Còn để thay đổi khẩu vị, hàu làm thức ăn mỗi bữa hàng ngày cũng chẳng kém hấp dẫn. Hàu xào, nấu canh và đặc biệt là món gỏi hàu để nhậu thì rất tuyệt. Có những người chuyên đi lấy hàu về đập, khều ruột mang ra các chợ bán hàng gánh.
Mua vài nghìn thịt hàu người ta đã khều sẵn, cho vào chậu rửa sạch, nhặt kỹ cho hết các mảnh vỏ vỡ lẫn trong thịt, kẻo khi ăn rất nguy hiểm. Để ráo nước rồi cho hàu vào xoong. Cắt mấy quả chanh tươi, vắt nước vào xoong thịt hàu, trộn đều. Vị chua của chanh sẽ làm cho thịt hàu chín. Rồi chuẩn bị rau sống các loại, nhất là rau gia vị có mùi thơm như quế, hành, thì là, mùi tàu, ngò, lá đinh lăng non… được rửa sạch bằng nước muối hay thuốc tím sát trùng pha loãng. Nước chấm là nước mắm nhĩ đỏ màu tương ớt, vừa ngọt vừa thơm cay. Vài chiếc bánh tráng nướng vàng ròn và không thể thiếu lít rượu Bàu Đá.
Mời nhau ngồi quanh mâm, xúc một thìa hàu vào chén, bẻ miếng bánh tráng bóp cho vụn rắc lên trên, tiếp đến là rau sống chấm nước mắm rồi… ăn, vừa nhai vừa ngẫm nghĩ về mùi vị của hàu. Sau đó là “đưa cay” một ly rượu nhỏ, ngửa cổ làm cái “chóc” sẽ thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao”. Thưởng thức gỏi hàu tức là “ăn tươi nuốt sống” nhưng tuyệt nhiên không thấy mùi tanh. Chỉ nghe dư vị ngọt ngào, thơm tho lan tỏa. Tương truyền rằng hồi xưa, thi sĩ Tản Đà đi nghỉ mát ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Chiều chiều, ông chỉ mặc cái quần đùi, dắt con dao và bàu rượu bơi ra các tảng đá. Nước triều xuống, ông lần tay nậy từng con hàu, tách vỏ lấy ruột cho luôn vào miệng nhai. Xong tu một ngụm rượu. Cứ như thế, Tản Đà nhắm rượu hàu với trời xanh và biển biếc. Sướng quá, thi sĩ thốt lên: “Nhất sinh ta chưa bao giờ được thích thú như thế này”.

Close [X]
1gom
1gom