7 bị cáo trước toà. |
HĐXX của phiên tòa diễn ra tại Hà Nội chiều 25/4 nhận xét, hành vi của 7 bị cáo trong đường dây làm giả chứng từ nhằm hợp thức hoá việc đăng ký biển số cho hơn 100 xe máy nhập lậu, xe trộm cắp đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước, lừa dối người tiêu dùng khi bán xe gian.
Theo chủ toạ Nguyễn Văn Cương, các bị cáo Đoàn Khánh Thiện, Đỗ Hồng Khanh, Đỗ Đình Thanh, Nghiêm Xuân Khanh, Nguyễn Hữu Cương, Lê Đức và Nguyễn Đức Quyết đã làm giả tờ khai hải quan, chứng từ mua bán 113 xe máy tay ga đắt tiền như Spacy, Suzuki, Avenis, @… Các bị cáo dựng lên nhiều chủ sở hữu “ma” để làm thủ tục đăng ký cho những phương tiện này.
Theo luật sư bào chữa, việc cơ quan điều tra tách riêng hành vi không phát hiện hồ sơ giả mạo trong quá trình cấp biển đăng ký của cảnh sát giao thông Hà Nội và tỉnh Cao Bằng, Hưng Yên, Nghệ An, Bắc Giang, Đồng Nai… đã khiến vụ án “diễn biến một chiều, không có đối chất giữa cảnh sát và bị cáo”. Vì vậy, các luật sư cho rằng, còn nhiều vấn đề xung quanh vụ án chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, bản án của HĐXX đã không giải thích lại ý kiến này.
Bản án nhận định, Đoàn Khánh Thiện là người tích cực nhất, trực tiếp “phù phép” cho 64 Honda Spacy và 7 ôtô. Do vậy, bị cáo nhận hình phạt cao nhất 19 năm tù về tội làm giả tài liệu và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng bị kết án về 2 tội danh này, Đỗ Đình Thanh, Nghiêm Xuân Khanh, Nguyễn Hữu Cương, Đỗ Hồng Khanh mỗi người 11 năm tù. Hai bị cáo còn lại chịu hình phạt 6-7 năm.
HĐXX quyết định sung công toàn bộ xe máy và ôtô bị phát hiện (gồm 30 xe máy và 7 ô tô) . Trong số này có 29 Honda Spacy. Theo phán quyết, các bị cáo phải trả lại tiền thu lời bất chính khi bán 67 xe gian cho người tiêu dùng. Sau đó, những bị hại cùng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải hoàn lại tài sản cho cơ quan chức năng theo luật định.
Anh Thư