Taj Mahal, biểu tượng tình yêu của người Ấn

6h sáng, một hàng dài người chờ đợi đã xếp hàng với chiếc vé cầm sẵn trên tay trước cổng vào cửa ngôi đền tình yêu nổi tiếng Taj Mahal, Ấn Độ. Cách đó một cây số, tôi đang chờ đến lượt mua vé. Mỗi chiếc vé bán ra kèm nước uống miễn phí, một bộ bọc giày và bản đồ khu di sản. Những chiếc xe điện chờ sẵn đưa khách đến cổng đền. Tôi nhanh chân nhảy lên một chiếc xe, ôm theo cả đống đồ vừa được phát.
Tôi được phân công đi mua vé vì trẻ nhất đoàn và có thẻ sinh viên, nhưng cuối cùng chiếc thẻ này không được giảm giá vào cửa như nhiều nơi khác. Xe bon bon chạy được một đoạn, đã thấy một đoàn người rất dài chờ ngoài cửa, xếp hàng có trật tự để vào đền. Một số tranh thủ gặm bánh mì vì đền Taj Mahal chỉ cho phép bạn mang nước uống, không được mang đồ ăn và thậm chí túi hay balo to cũng phải bỏ lại bên ngoài.

DSC-0566-JPG-1114-1385974963.jpg
Đền Taj Mahal tọa lạc ở thành phố Agra bang Utar Pradesh, phía bắc Ấn Độ. Quần thể kiến trúc này bao gồm 5 hạng mục: cổng chính, vườn cây, nhà thờ Hồi giáo, khu nghỉ và lăng mộ chính.

Những vị khách hồ hởi bước vào khu đền chính của Mahal vào khoảng 7h sáng đa phần là người nước ngoài. Theo người dẫn tour ở đây, chỉ có khách nước ngoài mới vào sớm như vậy, còn khách trong nước sẽ vào đông từ khoảng 10h trở đi. Vé vào cửa có sự khác biệt lớn, trong khi người nước ngoài mất phí 750 Rp (khoảng 250.000 đồng), người Ấn Độ chỉ mất có 20 Rp (khoảng 10.000 đồng).
Bước qua cánh cổng vào đền là một thế giới khác, được hòa trộn bởi hoa, nắng và tiếng chim rộn rã. Gần 400 năm đã trôi qua, ngôi đền trắng vẫn lộng lẫy. Đền được kiến trúc sư người Iran tên Ustad Tsa vẽ đồ án (ông là kiến trúc sư giỏi nhất Bắc bán cầu thời bấy giờ). Nhân công được tuyển chọn từ khắp các nước, 35 loại đá quý cùng các vật liệu đặc biệt của những địa danh nổi tiếng cũng được thu thập.
Lịch sử xây dựng Taj Mahal gắn liền với câu chuyện về tình yêu bất diệt của hoàng đế Shah Jahan (lên ngôi năm 1627) với người vợ yêu quý là hoàng hậu Mumtaz Mahah. Bà không may qua đời ở tuổi 39 sau khi sinh người con thứ 14 (1631) khiến hoàng đế đau buồn vô hạn. Chỉ sau một đêm tóc của ông trở nên bạc trắng. 
Trước khi nhắm mắt, hoàng hậu Mumtaz đề nghị hoàng đế xây cho mình một lăng mộ để kỷ niệm tình yêu của họ. Ngay sau đó, hoàng đế Shah Jahan đã tự mình theo dõi việc xây dựng Taj Mahal trong 16 năm (1632–1648) để có được món quà tặng cho người vợ quá cố.

DSC-0534-JPG-3506-1385974963.jpg
Công trình tuyệt tác Taj Mahal – món quà của tình yêu và là biểu tượng của Ấn Độ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1983.

Taj Mahal được xây trên một khu đất rộng 304 m và dài 580 m. Chính giữa là một lâu đài (lăng mộ của hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahah), đáy hình bát giác cao 75 m với mái vòm tròn được làm hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch. Bao quanh là 4 vòm tròn nhỏ. Bốn góc đền là 4 tháp cao 40 m. Theo quan niệm Hồi giáo, số 4 tượng trưng cho sự thiêng liêng và bất diệt. Chiều cao của ngôi đền khoảng 80 m. Xung quanh tòa lâu đài là những bức tường nhiều cửa sổ và cửa ra vào hình vòm cuốn, được chạm khắc cực kỳ tinh xảo bằng các loại đá quý.
Chúng tôi đi một vòng tròn trên những phiến đá cẩm thạch mát lạnh, ngắm nhìn không biết chán những nét chạm khắc thanh nhã và duyên dáng trên tường. Dưới ánh nắng hè rực rỡ, cả ngôi đền nổi bật giữa nền trời xanh. Các vị khách nước ngoài thích thú trong bộ sari truyền thống và chụp ảnh.
Bên trong ngôi đền, chính giữa gian phòng lớn trên tầng hai là 2 ngôi mộ của hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahal được khảm bằng 12 loại đá quý nhiều màu sắc trên nền cẩm thạch trắng. Hàng trăm năm đã trôi qua, tình yêu bất diệt của họ đã trở thành biểu tượng của đất nước Ấn Độ.

DSC-0520-JPG-7735-1385974963.jpg
Mỗi tấm vé vào cửa được kèm một chai nước, một bộ bọc chân và bản đồ khu đền.

Không thấy đói và mệt, chỉ thấy thích thú xen lẫn tự hào vì đến được một điểm di sản nổi tiếng thế giới, chúng tôi ngồi lại bên thềm cùng rất nhiều người Ấn Độ, ngắm nhìn dòng áo đủ sắc màu đang xếp hàng vòng quanh chờ đến lượt vào thăm bên trong đền. Dòng người bất tận này không bao giờ đứt đoạn cho đến tận chiều tối, khi ngôi đền đóng cửa vào lúc 19h, trả lại sự yên tĩnh tuyệt đối cho Taj Mahal.
Bài và ảnh: Lam Linh

1gom