Nguyễn Khắc Quân: ’Gốm hun đúc ý tưởng thành tác phẩm’

a
Tác phẩm của Nguyễn Khắc Quân.

– Xuất thân từ làng gốm Bát Tràng nổi tiếng, anh đã tiếp thu được gì qua gốm cổ Việt Nam?
– Việt Nam là cái nôi của gốm ở khu vực Đông Nam Á. Các cụ ta từ xưa đã làm nên được nhiều điều kỳ diệu từ đôi tay khéo léo và tài hoa. Trước đây, tôi có nhiều năm nghiên cứu, phục chế gốm cổ nên đã hiểu được nhiều điều, từ gốm men ngọc đời Lý đến gốm hoa lam đời Lê. Càng tìm hiểu, càng thấy các cụ nhà ta rất giỏi, không chỉ ở cách thức tạo dáng, cách chế tác sử dụng chất men mà còn giàu sáng tạo trong xây dựng hình thể, nét vẽ. Đặc biệt, họ là bậc thầy trong cách bộc lộ thần thái của đối tượng mà mình miêu tả. Các cụ đã khẳng định được giá trị gốm của ta khác với dòng gốm của các nước khác. Đó là điều quan trọng nhất mà tôi đã tiếp thu được.
– Động lực nào khiến anh dồn tâm cho sáng tác gốm nghệ thuật trong khi gốm dân dụng dễ kiếm sống hơn?
– Trong thời buổi hiện nay, khi mà nền kinh tế của ta hội nhập với quốc tế, nhận định này về gốm dân dụng là đúng. Bằng chứng là rất nhiều người bạn của tôi đã thành đạt, nay trở thành ông chủ của các doanh nghiệp nhỏ. Còn với tôi, gốm có khả năng biểu cảm rất lớn. Nó có thể hun đúc ý tưởng trong tôi trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc lập. Tôi làm gốm nghệ thuật thực ra cũng không có động lực nào ghê gớm, chỉ đơn giản là yêu thích, ham muốn biểu hiện tình cảm của mình. Tôi muốn thể hiện những suy tưởng về sự vận động của vạn vật bằng chất liệu của đất, nước và lửa.
– Các tác phẩm của anh trong 5 năm qua đã đưa ra một hình ảnh chuyển động của nghệ thuật gốm đương đại. Quan niệm sáng tác của anh là gì?
– Tác phẩm nghệ thuật là để phục vụ con người. Quan niệm sáng tác của tôi không nằm ngoài phạm trù trên. Sự kết thúc của loài này là sự sống của loài khác. Nói tóm lại, không có gì mất đi, mọi sự hiện hữu trên trái đất này đều có mục đích và lý do của nó.
– Anh giải quyết thế nào vấn đề kinh phí tối thiểu cho cuộc sống gia đình và mua vật liệu cho công việc?
– Tôi vẫn là một cán bộ của bảo tàng Mỹ thuật và dĩ nhiên được hưởng lương Nhà nước. Đúng là kinh tế chưa thể đủ cho cuộc sống, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng bán được tác phẩm và số tiền ấy tạm đủ chi tiêu. Vật liệu làm gốm cũng rất rẻ, lại sẵn, cái chính là công sức và trí tuệ đổ ra. Điều quan trọng nhất là tôi có một gia đình yên ổn và một cuộc sống giản dị. Chính cuộc sống đó tạo điều kiện cho tôi sáng tạo.
– Theo anh, cần hội tụ những yếu tố nào để khẳng định giá trị nghệ thuật gốm hiện đại Việt Nam?
– Yếu tố quan trọng nhất là cái thần thái Việt Nam và tình cảm chân thật của chính người nghệ sĩ. Một sản phẩm gốm được gọi là tác phẩm phải đủ ba tiêu chuẩn: điêu khắc, hội họa và chất gốm vừa mang dấu ấn của tác giả, vừa bộc lộ bản sắc văn hóa Việt Nam, lại mang hơi thở thời đại mà nghệ sĩ đó đang sống.
(Theo Thể Thao & Văn Hóa)

1gom