Nguyễn Kim Xuân và niềm đam mê nghệ thuật tranh tre

Năm 1997, khi ông Nguyễn Kim Xuân mở xưởng tranh ngay tại nhà mình (Đông Anh, Hà Nội), người ta đã cho rằng đó là ý tưởng điên rồ. Ông cũng nghĩ “hay mình điên thật” khi lặng lẽ ngắm những đường nét thô kệch, ngây ngô và vụng dại hằn trên bức tranh đầu tiên. Nhưng nó như có ma lực khiến ông không sao rời bỏ, đó là “nét duyên thầm, càng nhìn lâu càng bị cuốn hút”.

Ông Xuân giới thiệu tranh với một người xem.

Vẻ đẹp tự nhiên của tranh tre được thể hiện ở màu sắc, chất liệu. Đó là màu nguyên thủy, không nhuộm không sơn. Màu sắc ở ngọn khác màu ở thân, gốc. Màu của cây hướng ra nắng khác màu của cây trong bụi rậm. Tre non có màu xanh, tre già màu vàng, loại tre gác trên bếp, bị ám khói cho màu nâu sẫm. Đặc biệt không có một công nghệ nào tạo được sắc độ màu kỳ ảo như ma tre (do những con bọ măng tạo thành). Tranh tre có độ bền màu, càng để lâu càng bóng đẹp và thể hiện được nhiều đề tài của cuộc sống như: phong cảnh thiên nhiên đất nước, di tích văn hóa lịch sử, phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, khắc họa chân dung…
Điểm thú vị của loại hình nghệ thuật này là sự kết hợp và kế thừa những sáng tạo của hội họa truyền thống. Trên nền của khảm trai, sơn dầu, sơn mài, nhung thêu, mành, chất liệu của tre nổi bật hơn lên mà vẫn hài hòa màu sắc. Hiện nay, ông Xuân đang cho thử nghiệm làm tranh tre trên nền lá, cây cỏ nhằm khai thác hết vẻ đẹp sẵn có trong thiên nhiên.
Ông Xuân cho biết để tạo một bức tranh tre hoàn chỉnh phải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, công phu như vẽ hình bổ mảng trên giấy, cắt hình làm mẫu, mài tre, dán lắp ghép tạo hình. Các thao tác này đòi hỏi thật chính xác, khéo léo và thành thạo.
Tâm huyết với loại hình nghệ thuật này, ông Xuân đã cất công lặn lội đi tìm những họa sĩ có tiếng ở Hà Nội sáng tác cho mình mẫu vẽ ưng ý. Vì đam mê, đồng cảm, hoạ sĩ Nguyễn Nghiêm, Xuân Tiến, Lê Liên, Đặng Minh suốt mấy tháng trời đã miệt mài nghiên cứu, để thể hiện làm sao trên cùng khổ giấy, cùng là tre nhưng phải cho người xem cảm nhận được sự chuyển động rõ rệt của bốn mùa.
Vẫn đang trên con đường tìm tòi, thể nghiệm, nhưng người nghệ nhân này đã được nhiều người yêu tranh tìm đến. Khi tham quan xưởng, những đoàn khách nước ngoài thực sự ngạc nhiên vì họ chưa từng thấy tranh tre bao giờ. “Đứng trong gian phòng tranh tre, tôi như đứng giữa một Việt Nam với những nét đẹp đơn sơ nhất”, Natalie Shaw, một lưu học sinh, đã nhận xét như vậy.
Khát Chân

Close [X]
1gom
1gom