Hai thợ cơ khí trên máy bay, Frank và Elmer, hát bài “The Camp Town Races”:
We’re goin’ home in freedom birds,Doo dah, doo dah;We ain’t goin’ home in plastic bags,Oh doo dah day.
“Đây là nơi tôi phải đến sau 10 năm”, Warren Parker nói gần như khóc. “Nhìn người đàn ông ở đằng kia kìa. Ông ta là một quan chức Cảnh sát Quốc gia… không hơn gì một người đi tra tấn”. Cho tới sáng hôm đó, Warren Parker là lãnh sự Mỹ tại Mỹ Tho. Nhà ngoại giao này ít nói, đã dành 10 năm qua ở Việt Nam để làm tâm lý chiến và suy nghĩ tại sao quá nhiều người không nghe tư vấn của ông.
Tôi và ông tới chỗ nhà hàng bên cạnh bể bơi, đi qua một người đàn ông nói: “Không có người Việt Nam ở đây, không người Việt Nam”. Chúng tôi lấy một chai rượu vang Taylor New York đã được làm lạnh. Không còn ly, nên chúng tôi tu cả chai. “Tôi sẽ kể cho ông vài chuyện”, Parker nói với tôi bằng giọng bang Georgia. “Nếu có khoảnh khắc sự thật thì với tôi đó là hôm nay. Những năm qua tôi ở đây, làm việc cho đất nước tôi và đất nước này. Và hôm nay tất cả những gì tôi thấy là chúng ta đã chia rẽ người tốt khỏi người xấu… và chúng ta thu được người xấu”.
3h15’ chiều 29/4
Chen lấn xô đẩy để lên máy bay. |
Graham Martin sải bước, qua phòng chờ tới khu nhà bên trong. Những chiếc trực thăng lớn sắp đến và gốc cây me không thể thấp hơn được nữa dù mấy người lính thuỷ đánh bộ đã tìm hết cách cưa, chặt. Chiếc Cadillac của đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đang chờ ông và, trong khi các nhân viên sứ quán choáng váng, chiếc Cadillac đi về phía cánh cổng, nơi đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Viên lính thuỷ đánh bộ đứng ở cổng không thể tin nổi vào mắt mình. Chiếc Cadillac dừng lại, đại sứ bước xuống, đi qua gốc cây và các binh sĩ. “Tôi sẽ đi bộ một lần nữa tới nhà mình”, Martin tuyên bố. “Tôi sẽ đi bộ thoải mái trong thành phố này. Tôi sẽ rời Việt Nam khi Tổng thống bảo tôi làm vậy”. Ông này rời sứ quán bằng cổng phụ, vượt qua đám đông và đi bộ một đoạn tới nhà. Một tiếng rưỡi sau, Martin quay lại cùng chú chó xù Nitnoy và một người giúp việc Việt Nam.
Khi chiếc trực thăng Chinook đầu tiên hạ cánh, các cánh quạt va phải một ngọn cây, và tiếng các cành cây khô rơi xuống giống như tiếng súng nhỏ. “Xuống ngay! Xuống ngay!”, một hạ sĩ thét lên, hướng về dòng người đang cố gắng trèo tường, chờ đến lượt được di tản, cho tới khi một sĩ quan bước tới và trấn an anh ta.
Trực thăng có thể đưa 50 người, nhưng cuối cùng cất cánh với 70 người. Phi công thể hiện khả năng tuyệt vời khi bay thẳng lên độ cao 61 mét, nhiều tài liệu của sứ quán được huỷ đi. Tuy nhiên, không phải toàn bộ văn bản bị huỷ, một số vẫn được để lại trong túi nilon. Tôi có một trong những tài liệu đó. Nó đề ngày 25/5/1969 và ghi: “Tuyệt mật… biên bản ghi nhớ từ John Paul Vann, chống nổi loạn… 900 ngôi nhà ở Châu Đốc bị không lực Mỹ phá huỷ mà không có dấu hiệu cho thấy một đối phương nào bị giết… vụ phá huỷ ngôi làng này của hoả lực Mỹ là sự kiện sẽ luôn được ghi nhớ và không bao giờ được những người sống sót tha thứ…”.
Tiền rơi như mưa từ trên nóc sứ quán: những đồng 20 USD, 50 USD và 100 USD. Hầu hết bị cháy xém. Những người Việt chờ dưới mặt đất không thể tin nổi vào mắt mình; các cựu bộ trưởng, tướng lĩnh và những người tra tấn tranh cướp nhau để kiếm khoản tiền ở trên trời. Một quan chức sứ quán cho biết hơn 5 triệu USD đang bị đốt. “Tất cả các két trong sứ quán đã trống rỗng nhưng được khoá cẩn thận”, ông này nói, “để đánh lừa những tên trộm”.
Vẫn còn ít nhất 1.000 người trong sứ quán, chờ được di tản, trong khi hầu hết các nhân vật nổi tiếng như tướng Quang đã có mặt trên những trực thăng đầu tiên. Số còn lại chờ đợi một cách bị động, trông họ như thể bị choáng. Bên trong sứ quán, champagne sủi bọt tràn trên bàn trong khi một số nhân viên cố gắng huỷ hoại chính văn phòng mình: đập máy làm lạnh nước, đổ rượu ra thảm, quẳng tranh từ trên tường xuống. Trong một văn phòng ở tầng 3, ảnh cố tổng thống Johnson được cho vào thùng giấy loại. Chỉ còn câu trích của Lawrence trên tường: “Thà để họ làm dở dang còn hơn là tự bạn làm một cách hoàn hảo, vì đây là đất nước của họ, cuộc chiến của họ, và thời gian của bạn thì ngắn ngủi”. (Lawrence tên đầy đủ là Thomas Edward Lawrence, 1988-1935, nổi tiếng từ sau Thế chiến I vì đóng vai trò nổi bật trong thời gian làm sĩ quan liên lạc của Anh trong cuộc nổi dậy người Ảrập năm 1916-1918).
Đã gần nửa đêm. Sứ quán được thắp sáng bằng đèn pha ôtô, và mỗi trực thăng hiệu Jolly Green Giant giờ đưa đi 90 người. Phụ trách an ninh Martin Garrett tập trung tất cả những người Mỹ còn lại. Những người Việt Nam đang chờ ra đi cảm thấy điều gì đó sắp xảy ra. Một đại tá lính thủy đánh bộ xuất hiện, một lần nữa đảm bảo rằng đại sứ Martin đã khẳng định ông sẽ là người cuối cùng rời đi. Tất nhiên, đó là lời nói dối.
2h30’ sáng 30/4, Kissinger gọi điện cho Martin và yêu cầu ông kết thúc kế hoạch di tản lúc 3h45’ sáng. Nửa tiếng sau, Martin xuất hiện cùng một cặp da, một túi xách và các tài liệu. Ông im lặng đi lên tầng 6, nơi một chiếc trực thăng đang đợi.
Trực thăng tại số nhà 22, đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng). |
“Lady Ace 09 đang ở trong không trung cùng Code Two”. “Code Two” là mật mã ám chỉ đại sứ Mỹ. Tuyên bố này có nghĩa cuộc xâm lược Đông Dương của Mỹ đã kết thúc. Khi trực thăng ra đến ngoại vi thành phố, đại sứ nhìn thấy đèn pha xe tải của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Những viên lính thủy đánh bộ cuối cùng lên đến mái nhà và bắn hơi cay xuống thang bộ. Họ nghe thấy tiếng kính vỡ và tiếng cạy mở những két sắt trống rỗng của các cựu đồng minh. Những viên lính thủy đánh bộ đã kiệt sức và bắt đầu lo lắng; chiếc trực thăng cuối cùng chưa tới trong khi đã sắp bình minh.
Ba giờ sau, khi mặt trời ló rạng, những chiếc xe tăng cắm cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam tiến vào trung tâm thành phố. Các binh sĩ trên xe tăng không bắn phát nào. Một người nhảy xuống, trải bản đồ trên xe tăng và hỏi những người đứng gần đó: “Hãy chỉ cho chúng tôi đường đến dinh tổng thống. Chúng tôi không biết Sài Gòn, chúng tôi không ở đây lâu rồi”. Các xe tăng qua Công trường Lam Sơn, dọc theo Đại lộ Tự Do, qua Nhà thờ Đức Bà và qua những cánh cổng đẹp đẽ của dinh tổng thống, nơi Minh “Lớn” (Dương Văn Minh) cùng nội các đang chờ để đầu hàng. Ngoài phố, binh lính Việt Nam Cộng hoà vứt bỏ quân phục. Họ đã hoà vào cùng đám đông. Không có “biển máu”. Kẻ xâm lược bị đẩy lùi, Việt Nam lại là một đất nước thống nhất. Cuộc chiến dài nhất thế kỷ 20 đã kết thúc.
Nguyễn Hạnh dịch
Hết
Phần 1, 2, 3