Cuộc gặp giữa Thủ tướng Israel (trái) và Tổng thống Nga được coi là dấu hiệu chứng tỏ quan hệ giữa hai nước được cải thiện. |
Về phần mình, Matxcơva tin rằng giải quyết xung đột Israel – Palestine là vấn đề chính trong việc duy trì ổn định ở toàn bộ khu vực Trung Đông.
Mở đầu cuộc hội đàm, ông Putin hoan nghênh việc Israel chấm dứt bao vây trụ sở của Chủ tịch Palestine Yasser Arafat tại Ramallah. Tổng thống Nga nói: “Tôi biết rất khó đưa ra và thực hiện quyết định này”. Diễn biến ở Ramallah đã giúp dỡ bỏ trở ngại chính trong quan hệ Nga – Israel.
Ông Putin một lần nữa kêu gọi thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc nhanh chóng trở lại Baghdad và Hội đồng Bảo an cần phải đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Iraq. Matxcơva phản đối các đề xuất của Anh, Mỹ (yêu cầu đặt hạn chót về thanh sát với Baghdad, nếu không sẽ phải đương đầu với chiến dịch quân sự).
Theo dự kiến, ông Sharon cung cấp chứng cứ Iraq huấn luyện du kích Palestine trên lãnh thổ của mình cho Tổng thống Nga. Tuy nhiên, sau 3 giờ hội đàm, Thủ tướng Israel không đưa ra được “tài liệu đặc biệt” nào để khẳng định mối quan hệ giữa Tổng thống Saddam Hussein và du kích Palestine.
Ông Sharon còn mong muốn Matxcơva dùng ảnh hưởng của mình, tác động lên Syria, để nước này chấm dứt tình trạng du kích Hồi giáo Hezbollah tấn công Israel từ đất Libăng (Tel Aviv xưa nay cáo buộc Syria là nhà hậu thuẫn chính của Hezbollah). Ngoài ra, các quan chức Do Thái tin rằng Iran đã cung cấp cho Hezbollah hàng nghìn tên lửa có thể được sử dụng chống Israel, trường hợp Mỹ đánh Iraq.
Nga là một trong 4 bên kiến tạo hòa bình ở Trung Đông, cùng Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc. Tel Aviv cho rằng EU và Liên Hợp Quốc thiên vị người Palestine và hy vọng Matxcơva có quan điểm đồng tình với mình vì nước này cũng đang phải đối phó với lực lượng ly khai Hồi giáo. Dự kiến, Thủ tướng Israel và Ngoại trưởng Nga sẽ hội đàm hôm nay.
Trong chuyến thăm này, ông Sharon mang theo 3 người sinh trưởng tại Nga sống sót sau vụ đánh bom tự sát vũ trường ở Tel Viv hồi tháng 6/2001. Sự việc làm 21 người thiệt mạng, hầu hết là người nhập cư từ Liên Xô cũ. Faik Khuliev, 20 tuổi, bị thương khi đó, nói: “Những người nhập cư từ Nga vẫn phải chịu đựng chủ nghĩa khủng bố như người Nga phải chịu đựng khủng bố Chechnya”. Ông Sharon sẽ tới gặp lãnh đạo cộng đồng người Do Thái tại Nga.
Trong khi đó, trợ lý của ông Arafat, Mahmoud Abbas, sẽ tới Matxcơva hôm nay để hội đàm với Ngoại trưởng Ivanov và các quan chức khác.
Nguyễn Hạnh (theo BBC)