Tai nạn đặt câu hỏi về độ an toàn hạt nhân Nhật Bản

Giám đốc Công ty điện Kansai Yousaku Fuji cúi đầu trong buổi họp báo tại trụ sở ở Osaka.
Giám đốc Công ty điện Kansai, cơ quan quản lý nhà máy điện hạt nhân Mihama, Yousaku Fuji cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo tại trụ sở ở Osaka.

Nhật Bản vốn nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng nhu cầu năng lượng cao. Thế nên, xứ sở này rất phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân. Vụ tai nạn hôm qua làm các nhà phân tích đặt ra câu hỏi liệu đất nước mặt trời mọc có phụ thuộc năng lượng vào một ngành nguy hiểm tiềm tàng này quá nhiều không.
Nhật Bản nhập khẩu nhà máy điện hạt nhân thương mại đầu tiên từ Anh năm 1966 và hoàn thành các lò phản ứng do chính mình chế tạo đầu tiên năm 1970. Nước này hiện có hơn 50 nhà máy đang hoạt động, đáp ứng khoảng 25% nhu cầu điện. So sánh với Mỹ, điện hạt nhân chiếm khoảng 20% điện toàn quốc.
Trong khi Nhật Bản giữ uy tín về an ninh công cộng, nhưng ngành hạt nhân đã chịu một số tai nạn trong những năm gần đây, trong đó có tai nạn tại nhà máy ở Tokaimura năm1999 – do các công nhân tìm cách tiết kiệm thời gian, đưa quá nhiều uranium – làm 2 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, và quyết định tạm thời trì hoãn hoạt động toàn bộ 17 nhà máy của Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) hồi tháng 4 năm ngoái sau khi hãng thừa nhận giả mạo tài liệu an toàn. 2 vụ việc này làm công chúng Nhật cũng như Trung tâm Thông tin Hạt nhân Công dân (CNIC) ở Tokyo, thành lập năm 1975 để giám sát an toàn hạt nhân, thực sự lo ngại.
Satoshi Fujino, phụ trách quan hệ công chúng của CNIC, cho rằng gốc rễ của vấn đề là 2 mặt: thiếu quy định của chính phủ và “văn hoá” che giấu bí mật của ban quan lý ngành. Tiến trình đánh giá an toàn, diễn ra trước khi nhà máy hạt nhân được xây dựng, hết sức lỏng lẻo, trong khi những cuộc thanh sát tiến hành sau đó rất bừa bãi. Người ta biết trước những cuộc thanh sát đó rất lâu và chúng chỉ được tiến hành từng phần.
Giới phân tích cũng chỉ ra sự phản đối nhà máy điện hạt nhân. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận, 50% số người được hỏi cho rằng cần phải giảm số lượng cơ sở hạt nhân. Niềm tin công chúng không được cải thiện sau vụ bê bối Tepco – vụ việc chứng tỏ “văn hoá” giả mạo số liệu trong ngành năng lượng này. “Bí mật có vẻ là một đặc trưng của ngành hạt nhân, đặc biệt là ở Nhật Bản, vì xã hội rất miễn cưỡng khi nói về những chuyện đó”, Fujino nói. “Vì vậy, thông tin được che giấu khá dễ dàng, vì hệ thống xã hội ủng hộ kiểu văn hoá đó”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phân tích đều đồng ý với nhận định trên. John Shepherd, Giám đốc tổ chức báo cáo khẩn cấp độc lập Nucnet, cho rằng ngành hạt nhân có vẻ đang rút ra bài học từ những sai lầm. Mặc dù gặp khó khăn khi xác định chi tiết vụ tai nạn Tokaimura, nhưng lần này Nucnet thấy rằng Công ty điện Kansai (Kepko) – quản lý nhà máy – đã phản ứng nhanh chóng, và tính toán của họ đã được 3 nguồn độc lập kiểm tra. “Với những gì tôi biết về ngành này, tôi cho rằng người ta đang phối hợp nỗ lực để công chúng hiểu rằng an toàn là ưu tiên hàng đầu”, Shepherd khẳng định. “Năm ngoái, một cơ quan độc lập mới đã được thành lập để giám sát an toàn hạt nhân”.
Ông này cũng lập luận sự ủng hộ của công chúng dành cho ngành hạt nhân đang cải thiện, thể hiện ở việc thống đốc địa phương cho phép sử dụng nhiên liệu ôxít hỗn hợp tại nhà máy điện hạt nhân Takahama – vốn bị trù hoãn do vụ bê bối Tepco. Quyết định tán thành này được đưa ra sau khi đã tham vấn người dân.
Shepherd cũng bất đồng với kết luận của Fujino rằng, các thủ tục an toàn nhìn chung là lỏng lẻo. “Lần này, phải mất nhiều năm nhà chức trách mới quyết định có xây dựng một nhà máy hay không”, Shepherd khẳng định. “Thường thì các seminar, hội nghị được tổ chức công khai”. Tuy nhiên, Giám đốc Nucnet thừa nhận vụ tai nạn hôm qua không thể giúp công chúng lạc quan về độ an toàn ở các nhà máy hạt nhân.
Nguyễn Hạnh (theo BBC)

Close [X]
1gom
1gom