Minh Nhí và những ngày cơ cực

d
Diễn viên Minh Nhí.

Năm 18 tuổi, thấy các chị trở thành bác sĩ, Minh Nhí cũng mơ ước được cắp sách tới trường nên đăng ký dự thi vào Đại học Y. Tuy nhiên, sự nghiệp bút sách của anh không trọn vì thi rớt. Buồn lòng, anh đạp xe vòng vòng để nghiềm ngẫm và bỗng dưng dừng xe lại ở Trường Nghệ thuật sân khấu 2 như một định mệnh. Lúc đó, nhiều người đang xúm quanh tấm bảng thông báo: “Chiêu sinh lớp diễn viên kịch”. Máu văn nghệ trỗi dậy, anh ghi tên dự thi. Ngày đầu họp mặt thí sinh, thày Nguyễn Văn Phúc nhìn anh bảo: “Tướng cậu sao làm diễn viên được? Nên thi đạo diễn đi”.
Trong 4 năm học đạo diễn, Minh Nhí lăn xả làm đủ mọi nghề để sống qua thời sinh viên, đỡ gánh nặng cho gia đình. Có ngày anh ăn một bữa cơm, về quê thì quá giang xe đò. Khi không còn đủ tiêu chuẩn ở ký túc xá, Minh Nhí thuê nhà ở chung với những đứa em cũng giống hoàn cảnh của anh, từ tỉnh lên thành phố lập nghiệp là Lý Hải, Cát Phượng, Hữu Bình, Hoàng Sơn. Cả bọn ở nhà thuê, nhưng đến tháng đóng tiền nhà thì rủ nhau… lánh mặt bà chủ. Có những bữa cơm chỉ có rau muống, cà muối mà cả bọn không ai nản chí.
Thấy con trai cực nhọc, ba buộc anh về Sa Đéc làm lái xe, nhưng với anh, nghề tài xế cơ cực quá. Anh nhớ một lần xe hư giữa đường, ba phải nằm dưới đường nhựa nóng như chảo dầu để sửa, anh đứng xớ rớ chẳng biết phụ giúp gì, vô tình nói như than thân trách phận, liền bị tát một cái đau điếng. Cái tát nhớ đời đó là kim chỉ nam hướng anh vào cuộc sống, dạy anh gặp khó khăn không được nản lòng, bởi cha anh, chỉ từ một cái xe mà nuôi cả nhà. Má bị bệnh nằm liệt 10 năm dài, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Hai người chị của Nhí phải thay nhau chăm sóc, bao cuộc tình chờ đợi nhưng hai chị muốn tròn chữ hiếu nên đã từ chối. Bây giờ, mỗi lần nghe bài hát Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến là anh lại thấm thía nỗi lòng của hai người.
Minh Nhí vừa mua một căn nhà bên kia cầu Trần Khánh Dư, quận Bình Thạnh. Ngôi nhà nhỏ lụp xụp, muốn tu sửa ít nhất phải chờ 3 năm dành dụm tiền. Số tiền 250 triệu đồng hùn vốn làm sân khấu ở số 7 Trần Cao Vân của anh và Quốc Thảo coi như “không cánh mà bay”. Bây giờ, anh chắt chiu từng sô diễn trong khi hàng ngày vẫn phải lên lớp dạy học đều đặn. Anh tâm sự: “Nghề của tôi đòi hỏi sự lăn xả. Các em học sinh bây giờ sướng hơn nhiều, đi học có xe gắn máy, có điện thoại di động. Năm thứ nhất đã có sô kiếm tiền, nên nhiều em cảm thấy nghề này sao dễ quá… Nhưng với tôi thì không, làm nghệ thuật đòi hỏi đường trường và tôi vẫn luôn học tập từ thất bại của mình”.
(Theo Phụ Nữ)

1gom