Triệu chứng của bệnh viêm xoang là nghẹt mũi, nhảy mũi (hắt hơi), chảy nước mũi hoặc chảy mủ (do đó mũi ngửi thấy mùi hôi thối bất cứ thứ gì) nhức đầu, đau đớn và nóng sốt. Nếu viêm xoang mũi sau một buổi nô đùa thỏa thích biểu diễn nhào lộn bay bướm ở hồ tắm thì triệu chứng có hơi khác một chút: em cũng thấy nghẹt mũi khó chịu, có thể hơi nhức đầu và sốt nữa, nhưng sau đó 24 đến 48 giờ em thấy đau, giống như đau răng, ở hàm trên, và đau một lúc nhiều răng (chớ không phải một răng cố định). Cơn đau này bắt đầu vào buổi sáng, sau khi thức dậy vài giờ, đau nhiều thêm trong 3, 4 giờ rồi bớt dần vào buổi chiều và tối. Có thể đau cổ họng nữa! Đôi khi nước mũi chảy ra có dính tí máu hay mủ. Trường hợp viêm ở các xoang khác như xoang trán ta thấy đau giữa hai chân mày, xoang sàng, đau sau mắt… Em cần nói rõ triệu chứng khi đến bác sĩ khám.
Đến “bác sĩ khám “, bác sĩ ấn tay trên xoang mũi (vùng 2 gò má) em cảm thấy đau nhức. Khám thấy màng mũi bị sưng đỏ, đóng mủ. Có khi bác sĩ cho em ngậm một bóng đèn pin nhỏ, để xem ánh sáng có bị che, mờ đục ở xoang không và thường thì ông cho em đi chụp một phim X-quang để xác định có bị viêm xoang hay không.
Định bệnh sớm, bệnh còn mới, dễ chữa. Nếu nghi ngờ bệnh do viêm màng mũi hoặc do sâu răng gây ra, bác sĩ sẽ chữa những bệnh đó trước. Có khi ông gửi em đến một nha sĩ để khám và chữa răng trước. Sau đó bác sĩ sẽ lấy mủ thử và chữa bằng những thuốc kháng sinh thích hợp, thuốc giảm đau và các phương thuốc phụ khác. Chẳng hạn có thể cho đắp nước nóng, ấm trên vùng gò má – nhỏ thuốc loại co mạch vào mũi, để mủ có đường chảy ra, hoặc dùng dụng cụ hút mủ – cho uống kháng sinh để ngừa nhiễm trùng…
Chữa sớm và đúng cách em sẽ khỏi bệnh trong vòng mười ngày. Nhớ theo đúng lời dặn của bác sĩ điều trị cho em, đừng chểnh mảng. Vì nếu chểnh mảng, khinh thường, bệnh sẽ trở thành kinh niên, khó chữa hơn nhiều ngay cả với những phương pháp phẫu thuật.
Nếu mủ vẫn tiếp tục chảy, mũi vẫn nghẹt hoài thì bác sĩ thay phương pháp khác – những phương pháp này quá phức tạp vì quá chuyên môn, em phải nghe theo để mau lành bệnh. Có thể em sẽ phải dùng thêm thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, kháng histamine, thuốc nhỏ mũi: có thể bác sĩ sẽ dùng các tia hồng ngoại, điện và chích kim vào xoang mũi để rửa, súc cho sạch mủ… Trong trường hợp những mô của màng xoang bị hư hỏng không thể phục hồi được nữa, bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật cho em…
Dĩ nhiên, đến giai đoạn này thì đáng tiếc lắm rồi, nhưng không vì thế mà hết hi vọng vì với những phương pháp mới và những tiến bộ của y học ngày nay, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ chữa cho em được lành bệnh. Em sẽ chọn một lúc thuận tiện như dịp nghỉ hè rồi đến một nhà chuyên môn xin điều trị.
(còn tiếp)