Thảo Hảo với ’sức nặng’ của thỏ bông

Cuốn Tản văn mới của Thảo Hảo.
Tản văn mới của Thảo Hảo.

Người ta biết đến Phan Thị Vàng Anh, cô con gái nhỏ trong cảm hứng thơ của thi sĩ Chế Lan Viên từ khi còn bước đi lẫm chẫm. Rồi đến với truyện ngắn Kịch câm bùng nổ trên văn đàn khi Vàng Anh mới ở tuổi hai mươi. Khả năng nhận biết cuộc sống trong từng chi tiết nhỏ đã làm cho trang viết của chị đầy ắp hương vị cảm xúc và cũng đầy kịch tính. Màn kịch tâm lý không lời diễn ra giữa người cha và cô con gái âm thầm, khốc liệt ấy nhiều lúc khiến người đọc thấy choáng váng. Ở cô gái mang tên “con chim nhỏ trên bầu trời xanh” có cái gì đó bạo liệt nhưng cũng thật yếu mềm, cô độc. Những truyện ngắn Khi người ta trẻ, rồi Hoa muộn lần lượt tạo ra tiếng vang. Người ta gọi truyện của chị là lối viết không có cốt truyện và không ít cây bút trẻ học tập theo cách viết của Vàng Anh.
Mới đây, tập tản văn của Thảo Hảo được in tại Nhà xuất bản Hội nhà văn ra mắt bạn đọc với nhiều bất ngờ thú vị. Trong nhịp sống gấp gáp đang trôi qua hờ hững, khi đọc những dòng suy nghĩ của Thảo Hảo, người ta bỗng giật mình vì dường như mình đã làm vuột qua nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Khả năng quan sát những chi tiết nhỏ lại có dịp được tận dụng tối đa trong trang viết, có điều sự quan sát ấy của chị đằm hơn, nó gắn liền với sự chiêm nghiệm và trăn trở. Những chuyện văn hóa, chuyện ứng xử, thậm chí cả chuyện thời sự được Vàng Anh chuyển tải theo dòng suy nghĩ và những cách nói khác nhau, nhiều khi khiến người đọc bật cười vì sự ngộ nghĩnh và đáo để.
Trong trang viết của Thảo Hảo bây giờ có cả cái nhìn xét nét của một biên tập viên. Công việc biên tập tại Nhà xuất bản Trẻ đã chuyển hóa sự tỉ mỉ vào những trang tản văn của chị. Khả năng lật lại vấn đề, nhìn lại những cái mà theo lẽ thường người ta dễ bỏ qua để thấy được “chuyện đáng bàn” của nó. Đó là cách của Vàng Anh trong Nhân trường hợp chị thỏ bông. Những bài viết khi bất bình, phẫn nộ, lúc chế giễu, xúc động và pha chút đắng cay… tạo nên một dư vị riêng cho cuốn sách. Mới nghe những cái tên như Giao trứng cho ác, Cuối cùng thì lè lưỡi hay Sự nan giải của Tí, người đọc lớn tuổi sẽ không mấy hứng thú vì nghĩ đó là những chuyện của con trẻ nhưng đọc đi rồi đọc lại, người ta ngẫm ra nhiều điều. Ẩn sau mỗi sự kiện là tâm trạng nôn nóng, tấm lòng trách nhiệm của người cầm bút.
Trong Nhân trường hợp chị thỏ bông, người viết hay đi lang thang, theo sự triền miên của cảm xúc nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy sự “thơ thẩn” ấy không đơn giản. Nó có sự logic sắc sảo của lý trí, phân tích nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều. Một vài dòng suy nghĩ trong Ai sẽ làm việc này đây, từ sự việc hai con bò tót bị chết mà chị liên tưởng đến trách nhiệm của người nghệ sĩ, những người sống trong sự yêu mến và trí nhớ của độc giả nhưng thái độ của họ là “khoanh tay đứng bên lề cuộc sống là chuyện quan trọng”.
Tác giả không ngại nói thẳng, thậm chí ngoa ngoắt khi bàn đến những mặt trái trong cuộc sống. Sự trớ trêu được chị tìm kiếm đến tận cùng trong bản thân các hiện tượng. Từ một đề thi trên báo Tuổi Trẻ của Sở giáo dục Cần Thơ về yêu cầu tìm từ trái nghĩa với từ “bà ngoại”, chị có bài viết dài ngót chục trang với nhan đề Giao trứng cho ác. Rồi khi đến phòng triển lãm tranh, chứng kiến cảnh dở khóc dở cười cũng khiến tác giả nghĩ đến chuyện May mà không biết vẽ.
Nhân trường hợp chị thỏ bông, cái tên ngộ nghĩnh đến thế nhưng khi khám phá tập tản văn của Thảo Hảo, người đọc thêm một lần nhìn lại mình, nhìn lại cuộc sống xung quanh để thấy nó có ý nghĩa hơn. Thảo Hảo khiến người ta nhớ hơn đến một Phan Thị Vàng Anh đầy bản lĩnh và cá tính ngày nào. 
Thu Hà

Close [X]
1gom
1gom