Cuộc họp diễn ra vài giờ sau khi 5 người Do Thái và 5 người Palestine bỏ mạng trong những cuộc đụng độ lớn đầu tiên kể từ hội nghị thượng đỉnh 3 bên do Mỹ chủ trì ở Jordan hồi tuần trước. Thủ tướng Sharon một lần nữa khẳng định Tel Aviv sẽ không bao giờ cho phép người tị nạn Palestine trở về quê hương, hiện thuộc lãnh thổ Israel. Chính phủ Do Thái sẽ thực thi tiến trình hoà bình “theo các giai đoạn và tự giác”, nhưng Palestine phải triệt phá các tổ chức khủng bố trước.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell hối thúc cả hai bên không để tình trạng bạo lực làm chệch hướng tiến trình hoà bình. Những vụ tấn công này được coi là một cú đánh mạnh vào Thủ tướng Palestine, người đã cam kết trấn áp du kích.
Giới phân tích cho rằng phản ứng của Mỹ là có tính toán. Trước đây, Washington thường buộc tội Chủ tịch Palestine Yasser Arafat gây ra bạo lực và khẳng định Israel có quyền tự vệ. Giọng điệu nhẹ nhàng hơn chứng tỏ Mỹ tin tưởng vào Thủ tướng Palestine Mahmoud Abbas. Ông Powell khẳng định Washington sẽ hỗ trợ nhà lãnh đạo Palestine này đối phó với các nhóm du kích.
Lữ đoàn Tử vì đạo al-Aqsa, Hamas và Jihad thừa nhận đứng sau vụ 3 tay súng Palestine tấn công trạm kiểm soát Erez giữa Dải Gaza và Israel, làm 4 lính Do Thái thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Sau đó, các thủ phạm bị bắn chết. Trước tình hình này, Thủ tướng Palestine Abbas đã huỷ bỏ chuyến đi Gaza nhằm thúc đẩy ngừng bắn. Cùng ngày, một người Do Thái và 2 tay súng Palestine thiệt mạng ở thành phố Hebron.
Nguyễn Hạnh (theo BBC)