Xuất khống hàng, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT

Gần đây nhất, cơ quan chức năng đã truy tố doanh nghiệp tư nhân Kiều Phương vì đã lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng.
Với tư cách là Phó giám đốc của Kiều Phương, Dương Quang Trí đã móc nối với Phạm Minh Nhật (cán bộ Phòng Xuất nhập khẩu Sài Gòn Coop) và Hoàng Văn Vinh (Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh Công ty Bách hóa điện máy) để “làm ăn”. Hai bên thỏa thuận, Trí và Nhật “gom” hàng “quý hiếm” như cá ngựa, nấm linh chi, bạch tuộc khô…, phía Công ty Bách hóa điện máy lo thủ tục xuất khẩu.
Nhóm tội phạm này thiết lập quan hệ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để làm thủ tục xuất hàng. Trên giấy tờ, với 10 hợp đồng kèm 71 tờ khai hải quan ở các cửa khẩu phía Bắc, cùng với 81 hóa đơn giá trị gia tăng, Công ty Bách hóa điện máy đã xuất bán cho 3 doanh nghiệp Trung Quốc 1.022 tấn hàng quý hiếm. Về hồ sơ đầu vào, nhóm này móc nối với 19 doanh nghiệp trong nước cấp hợp đồng, hóa đơn giá trị gia tăng để cân bằng lượng hàng thu mua và lượng hàng xuất. Từ đây, chúng lập hồ sơ đề nghị và được Cục thuế TP HCM hoàn 8,05 tỷ đồng.
Trước đó, Dương Quang Trí cùng vợ là Phạm Thị Kiều Phương cũng liên kết với một số cán bộ tại Công ty Xuất nhập khẩu Hà Nội (Simex) xuất khống 14 hóa đơn giá trị gia tăng chứng nhận là đã bán 352 tấn mực khô cho Công ty Simex. Sau đó, vợ chồng Trí kê khai khống tiền khấu trừ thuế đầu vào và chiếm đoạt trên 2,5 tỷ đồng. Với hành vi trên, vợ chồng Trí bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. TAND TP HCM đã phạt Trí 15 năm, Phương 9 năm tù giam.
Cũng với cách “làm ăn” trên, chủ cơ sở kinh doanh nông hải sản Việt Hưng và Nam Hưng, Đặng Văn Tỷ Em đã “bắt tay” với một số giám đốc, phó giám đốc các đơn vị như: Công ty TNHH Đông Huy, Chi nhánh Công ty Thiết bị Vật tư Du lịch tại TP HCM, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiết kế Tạo mẫu S.T.A… để hợp thức hóa các chứng từ khống trong việc mua bán hàng hải sản chiếm đoạt của Nhà nước gần 3 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, chính sách hoàn thuế là cần thiết nhưng còn tràn lan về đối tượng và mặt hàng, cơ chế tổ chức thiếu chặt chẽ, dễ bị lợi dụng nhất là trong khâu thuế và hải quan…
Tại các phiên tòa, giới luật sư thường nhắc tới trách nhiệm của cơ quan thuế vì đây là khâu cuối cùng để hoàn tất quá trình lừa đảo của bọn tội phạm. Tiến hành kiểm tra sau hoàn thuế là công việc lại hết sức nan giải bởi cán bộ thuế thì ít mà địa bàn lại rộng lớn. Đây cũng chính là một trong những lý do kéo dài thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp, khiến số doanh nghiệp bị “treo” hoàn thuế giá trị gia tăng mỗi ngày càng nhiều thêm, gây thiệt hại cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính đồng thời cũng trở thành một gánh nặng đối với cơ quan thuế.
Không thể không nói đến trách nhiệm của các cán bộ hải quan tại các cửa khẩu. Tuy nhiên, trong các vụ án này, các cán bộ hải quan phần lớn đều “ngoài vòng” pháp luật bởi những lý do như “chưa điều tra làm rõ được việc các bị can có mượn hàng tư thương để thực hiện xuất khẩu khống, nên chưa đủ cơ sở kết tội các nhân viên hải quan này” hoặc do chưa bắt được kẻ trung gian môi giới nên “chưa có cơ sở xử lý hình sự”.
Kiểm sát viên Nguyễn Văn Chung, người thường “có duyên” thực hành quyền công tố tại các phiên xử những vụ chiếm đoạt tiền hoàn thuế cho rằng, hình phạt đối với loại tội phạm này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đây là loại tội tham ô rút tiền Nhà nước, nhưng hiện chỉ xử phạt ở tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Chung cũng cho rằng nếu chúng ta vẫn áp dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng thì loại tội phạm này sẽ tăng vì sẽ có hàng loạt công ty “ma” ra đời để luồn lách, tìm cách chiếm đoạt tiền Nhà nước.
H. Thanh

1gom