’Thế giới phải rút bài học từ nạn tàn sát người Do Thái’

holo-1348564577_480x0.jpg
6 triệu người Do Thái và các dân tộc khác bị sát hại dưới bàn tay Phát xít Đức.

Theo ông, thế giới cần đảm bảo rằng những tội ác như thời tàn sát người Do Thái không bao giờ tái diễn.
Theo Tổng thư ký, Liên Hợp Quốc, thành lập ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, phải làm tất cả những gì trong phạm vi quyền lực của mình để ngăn chặn mức độ tàn sát như Phát xít Đức gây ra. “2/3 người Do Thái ở châu Âu, trong đó có 1,5 triệu trẻ em, bị sát hại”, ông Annan nói. “Một nền văn minh toàn vẹn, từng đóng góp rất nhiều cho văn hoá và tri thức châu Âu cùng thế giới, đã bị nhổ bật rễ, phá huỷ và bỏ phí”.
Ông Annan cho biết các tù binh người Digan, Ba Lan, Liên Xô cùng các nước Slav khác cũng bị sát hại một cách nhẫn tâm.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thừa nhận hành động chống diệt chủng khó khăn hơn nhiều những tuyên bố suông. “Thế giới đã hơn một lần không thể ngăn chặn hoặc chấm dứt diệt chủng, như ở Campuchia, Rwanda và Nam Tư trước đây”, ông nhận xét. “Những chuyện tồi tệ đang xảy ra ở Darfur (Tây Sudan) và chúng ta rất cần hành động”.
Hôm nay, dự kiến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan sẽ nhận kết quả điều tra từ một uỷ ban quốc tế về những tội ác tại Darfur. Một khi Hội đồng Bảo an có bản báo cáo, cơ quan này sẽ quyết định hành động như thế nào.
Người giành giải Nobel Hoà bình đồng thời cũng là người sống sót sau nạn thảm sát Elie Wiesel cũng phát biểu tại phiên họp. “Nếu thế giới chú ý lắng nghe, thì chúng ta đã có thể ngăn chặn tội ác ở Darfur, Campuchia, Bosnia và Rwanda”, ông Wiesel khẳng định. “Chúng ta biết rằng với người chết, bây giờ đã quá muộn… nhưng chưa phải quá muộn với những trẻ em hôm nay”.
Ngoại trưởng Israel Silvan Shalom cho rằng không ai có thể dám chắc liệu Liên Hợp Quốc có thể ngăn chặn nạn thảm sát người Do Thái hay không. Tuy nhiên, tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới và mỗi quốc gia thành viên cần “tái cống hiến để đảm bảo rằng chuyện đó không bao giờ tái diễn”.
Ngoại trưởng Đức Joschka Fischer gọi nạn thảm sát người Do Thái là “man rợ”. “Với đất nước chúng tôi, nó biểu hiện cho sự ghê tởm về đạo đức, sự bác bỏ mọi điều văn minh, là điều chưa từng có tiền lệ”, ông Fischer thừa nhận.
Một loạt sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng trại tập trung Auschwitz bắt đầu hôm qua tại Vienna. Các quan chức Liên Hợp Quốc đến tưởng niệm các nạn nhân.
Nguyễn Hạnh (theo BBC)

1gom