Trước đó, các quan chức thuộc hệ phái Shiite cho hay họ không thể đạt được thoả thuận chia sẻ quyền lực sau nhiều cuộc đối thoại với người Kurd và người theo hệ Sunni Hồi giáo. Tuy nhiên, thất bại này không ngăn cản việc quốc hội Iraq gồm 275 thành viên họp phiên ra mắt. “Đây sẽ là một sự kiện lịch sử, bởi người Iraq được nhìn tận mắt một nghị viện do chính họ lần đầu tiên bầu ra”, Ali al-Dabagh, một thành viên Liên minh Iraq Thống nhất, cánh chính trị giành được nhiều ghế quốc hội nhất, nhận xét. Ông cho biết các chính trị gia người Shiite, Kurd và Ảrập Sunni sẽ gặp nhau một làn nữa để “kết thúc các vấn đề”, và cần khoảng 3 ngày để đi đến một thoả thuận. Sau cuộc tổng tuyển cử ngày 30/1, liên minh của người Shiite giành 140 ghế, nhưng vẫn phải tìm sự ủng hộ người Kurd (75 ghế) mới có đủ đa số hai phần ba cần thiết để bầu ra tổng thống. Tổng thống sẽ là ngườii đề cử thủ tướng. Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Richard Myers, nhận định rằng tình trạng bạo lực sẽ tăng lên trước thềm phiên họp đầu của quốc hội và trong thời gian chính phủ Iraq thành lập. “Con đường còn dài”, Myers nói khi được hỏi về khả năng tự đảm đương trách nhiệm bảo đảm an ninh của người Iraq. Viên tướng không cho biết khi nào thì binh sĩ Mỹ – hiện có 148.000 người ở Iraq – bắt đầu rút quân. Italy là quốc gia đầu tiên tuyên bố đưa quân đội của mình về nước với lý do lượng an ninh địa phương có thể đảm trách an ninh Iraq. Hôm qua Thủ tướng Berlussconi thông báo sẽ bắt đầu việc rút 3.000 binh sĩ từ tháng 9 này. Các diễn biến chiến sự ở Iraq: – Một vụ tấn công bằng xe bom ở gần sân bay Baghdad, nơi Myers gặp các sĩ quan Mỹ, khiến một lính Mỹ chết và 6 quân nhân bị thương. – Một vụ đánh bom tự sát xảy ra ở phía đông bắc Baghdad, làm chết 1 trẻ em và gây thương tích cho 4 người, trong đó có 1 cảnh sát. Chiếc xe bom định lao vào xe tuần cảnh nhưng lại đâm vào gốc cây. – Tại Mosul, quân đội Mỹ cho biết đã giết chết 6, lầm bị thương 4 chiến binh nổi dậy trong một vụ chạm trán hôm thứ hai. – Tại miền bắc Iraq, quân nổi dậy cho nổ tung một ống dẫn dầu nối các mỏ ở Kirkuk với nhà máy lọc ở Beiji, cách Baghdad 155 km về phía bắc. T. Huyền (theo AP) |