Hãy thận trọng khi cho trẻ chơi dưới nắng

Chuyên gia về da liễu Darrell Rigel, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tổng hợp New York khẳng định, ánh nắng đặc biệt nguy hại với trẻ dưới 18 tuổi. Nếu các em bị cháy hay rám nắng càng nhiều lần thì nguy cơ mắc ung thư da ở tuổi trưởng thành càng cao.
Theo Rigel, một nguyên nhân quan trọng là sự hấp thụ và tích luỹ quá sớm những yếu tố gây ung thư của ánh nắng (nghĩa là trẻ bị ánh nắng gây tổn thương càng sớm thì càng nhanh mắc bệnh ung thư da).
Song đây không phải là lý do duy nhất, còn một lý do nữa đó là sự phát triển chưa đầy đủ của hệ miễn dịch ở trẻ. Vào giai đoạn đầu đời, hệ miễn dịch chưa hình thành một cơ chế bảo vệ sinh hoá, giúp cơ thể “tóm” được và “sửa chữa” một số tế bào bị tổn thương do nắng, trước khi bệnh ung thư da có cơ hội phát triển. Hậu quả là những tế bào này tiếp tục phát triển và dần tích tụ, dẫn đến bệnh ung thư khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành.
Ngoài ra, ánh nắng còn gây tổn thương cho chuỗi phản ứng Rb (một hình thức bảo vệ nội sinh, gồm hàng loạt các tín hiệu sinh hoá mà ta có thể cảm nhận khi tế bào da bị hư hại, và việc ngừng ngay khả năng tự nhân đôi của những tế bào này). Khi chuỗi phản ứng Rb bị ngưng trệ, cơ thể trẻ nhỏ sẽ mất đi khả năng cảm nhận những rắc rối trong tế bào da.
Theo thống kê của Viện Da liễu Mỹ, gần 2/3 số bệnh nhân mắc ung thư da có liên quan đến ánh nắng mặt trời. Và khoảng 80% số đó thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nắng khi còn thơ ấu. Các nhà khoa học Mỹ cảnh bảo rằng sẽ có khoảng 7.600 người chết vì bệnh ung thư da trong năm nay.
Hiện tại, cách bảo vệ da hiệu quả nhất là sử dụng thường xuyên và đúng cách các chất chống nắng có chứa thành phần SPF. Những thiết bị như mũ, kính râm hay quần áo phù hợp cũng đem lại một phần tác dụng tránh nắng.
Mỹ Linh (theo HealthScoutNews)

Close [X]
1gom
1gom