Một phụ nữ Italy khóc trước linh cữu của điệp viên Nicola. |
Linh cữu của Calipari bọc trong quốc kỳ Italy và được đội vệ sĩ danh dự tháp tùng. Trước khi đặt lên máy bay, thi thể của ông đã được một linh mục trong quân đội Mỹ và một linh mục tại Vatican, một người anh của Calipari, làm phép.
Sau khi tới sân bay, linh cữu của nhân viên tình báo được đưa lên xe tang tới văn phòng của ông tại Rome. Chính phủ Italy cho biết các cuộc khám nghiệm tử thi sẽ tiến hành hôm nay. Sau đó, linh cữu sẽ được đặt trang trọng tại bảo tàng Vittoriano ở Rome. Italy sẽ tổ chức quốc tang đối với Calipari ngày mai.
Tổng thống Italy Carlo Azeglio Ciampi cho hay ông sẽ trao huy chương danh dự cho Calipari vì lòng dũng cảm. Người dân Italy tôn vinh ông như một người anh hùng. Một đường phố tại thủ đô dự kiến sẽ được đặt theo tên ông.
Nữ nhà báo Guiliana Sgrena cũng bay về nước hôm qua. Bà nhớ lại: “đó là một ngày kinh hoàng nhất trong đời tôi”. “Tại thời điểm đó, một cơn mưa đạn bắn vào chúng tôi, làm tắt lịm vĩnh viễn những tiếng nói hạnh phúc trước đó”, bà viết trong một bài báo.
Sgrena cho biết, sau đó, người lái xe hét lớn rằng những người trong xe là người Italy. “Nicola Calipari tung người ra để bảo vệ tôi và ngay lập tức, tôi nhận thấy ông ấy trút hơi thở cuối cùng”. Bà nhớ lại lời cảnh báo của những người giữ bà: “hãy cẩn thận, người Mỹ không muốn bà trở về đâu”.
Quân đội Mỹ cho biết họ đã ra dấu hiệu bằng tay, phát ra các ánh sáng trắng và bắn cảnh báo vào đầu xe nhưng Sgrena cho biết “không hề có dấu hiệu hay ánh sáng cảnh báo nào”.
Sgrena trông rất mệt mỏi, bả vai trái của bà được băng kín. Trong một bài báo, Sgrena viết rằng những người bắt bà cảnh báo bà không nên chứng tỏ sự xuất hiện của bà cho bất cứ ai vì “người Mỹ có thể can thiệp”. “Đó là giờ phút hạnh phúc nhất đồng thời là nguy hiểm nhất của tôi”, Sgrena viết. “Nếu chúng tôi gặp bất cứ ai, thuộc quân đội Mỹ, có thể giao tranh sẽ xảy ra. Những người bắt giữ tôi luôn trong tư thế sẵn sàng phản ứng lại”.
Nữ phóng viên Sgrena bước xuống máy bay về Rome. |
Sgrena cho hay những người bắt cóc bà đã bịt mắt và đưa bà tới một nơi để thả bà xuống. Đó cũng là lúc “tôi nghe thấy tiếng nói đầu tiên của Calipari: ’Giuliana, Guiliana. Tôi là Nicola. Đừng sợ, tôi đã nói chuyện với Gabriele Polo (tổng biên tập tờ báo nữ nhà báo đang làm việc). Đừng lo lắng gì hết. Bà đã được tự do’”.
Quan chức Italy cùng quan chức Mỹ không đưa ra chi tiết xung quanh việc làm thế nào Sgrena được thả sau một tháng bị chiến binh Iraq bắt giữ. Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng họ đã phải trả tiền chuộc. Một luật sư Iraq Youdaam Youssef Kanna cho hay Rome đã phải trả 1 triệu USD để đảm bảo tự do cho nữ nhà báo.
Sgrena bị bắt làm con tin hôm 4/2. Nữ nhà báo đã được trả tự do hôm 4/3.
Hải Ninh (theo BBC, AP)