Sẽ có quy chế đấu giá tác phẩm tạo hình

Các tác phẩm mỹ thuật sẽ được thẩm định nghiêm ngặt.
Các tác phẩm mỹ thuật sẽ được thẩm định nghiêm ngặt.

Theo bà Bình Minh, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm thẩm định tác phẩm tạo hình sẽ do những chuyên gia có trình độ cao cùng với sự giúp đỡ của máy móc, sẽ đánh giá chuẩn xác nhất giá trị tác phẩm. Đây là một trong những khâu chủ yếu giúp cho hoạt động bán đấu giá tác phẩm diễn ra thuận lợi. Trong khâu này, mọi thông tin quan trọng về tác phẩm, về họa sĩ sẽ được thông báo công khai. Bên cạnh đó, Bảo tàng sẽ đứng ra mua lại các tác phẩm có giá trị của tư nhân và thu thập thông tin liên quan đến họa phẩm. Tất cả những việc làm đó đều hướng tới mục đích đưa hoạt động mỹ thuật ở nước ta vốn từ lâu còn nhiều bất cập đi vào một quy chuẩn nhất định. Những người tham gia và tổ chức các hoạt động bán đấu giá nếu được hướng dẫn bằng văn bản cách thức và quy trình sẽ tạo nên uy tín cho sản phẩm mỹ thuật.
Trước đây, không ít khách hàng có tiền, yêu thích nghệ thuật sẵn sàng bỏ tiền chơi tranh nhưng chính những người tổ chức đấu giá vẫn chưa thực hiện đúng quy cách. Còn người mua, khi đã sở hữu tác phẩm nghệ thuật trong tay lại giật mình vì nhiều nỗi lo.
Các tổ chức đấu giá thường tự đăng ký tham gia, xác định giá khởi điểm, niêm yết giá mà không theo trình tự thống nhất. Việc giám định giá trị của tác phẩm còn sơ sài, không mang tính chuyên nghiệp, thường dựa vào con mắt đánh giá của giới phê bình. Các thông tin về đơn vị tổ chức bán đấu giá đến với người mua không nhiều. Không ít người còn băn khoăn khi tham gia vì trên thực tế, Việt Nam chưa có một công ty chuyên nghiệp về lĩnh vực này. Người ngoài nghề chưa hết nỗi lo tranh chép, tranh giả.
Họa sĩ có quyền chép lại các tác phẩm nổi tiếng và chính điều này mang lại nỗi lo đến với người mua tranh. Khi mà ở nước ta chưa có một trung tâm chuyên thẩm định các tác phẩm tạo hình thì những họa phẩm mà họ có trong tay với giá không rẻ vẫn dễ có thể là sản phẩm nhái.
Ông Hoàng Minh, chủ một gallery trên đường Quốc Tử Giám, Hà Nội, nói: “Là người cũng biết chút ít về hội họa nhưng đứng trước một số bức tranh bị nghi là giả, rất khó phân biệt”. Và đó cũng là nỗi bức xúc của bà Trần Thị Hồng, vợ cố danh họa Trần Văn Cẩn: “Tôi rất bất bình với thông tin cho rằng bức Em Thúy hiện nay không phải bản gốc. Là người trong gia đình, trực tiếp bảo quản các tác phẩm của ông, tôi phải là người rõ hơn ai hết”.
Họa sĩ Vi Kiến Thành cho rằng, trong tương lai, chắc chắn hoạt động đấu giá cũng sẽ không diễn ra sôi nổi và chuyên nghiệp như các nước trên thế giới, nhưng hình thành các quy chế về hoạt động đấu giá tác phẩm tạo hình là việc làm cần thiết. Bản thân người trong nghề vẫn chưa quan tâm nhiều vì bây giờ mới là dự thảo, từ quy chế đến việc thực thi là một chặng đường dài. Nhưng quy chế, thay đổi này đang “góp gió thành bão” tạo nên gương mặt mới của nền mỹ thuật Việt Nam.
Thu Hà

Close [X]
1gom
1gom