– Thưa ông, có tin cho rằng từ khi dời bộ phận xét cấp visa từ Bangkok (Thái Lan) về Việt Nam thì tỷ lệ “đậu” visa du học vào Canada không cao, có đúng như vậy không?
– Ông Sanjeev Chowdhury – Tổng lãnh sự Canada tại TP HCM: Trước đây, học sinh muốn xin visa du học phải nộp hồ sơ sang Đại sứ quán Canada ở Bangkok, do đó tốn khá nhiều công sức và thời gian. Nhưng từ tháng 9/2003, Văn phòng cấp visa đã chuyển về Lãnh sự quán Canada tại TP HCM, nên việc xin visa thuận lợi hơn rất nhiều. Và cũng vì đặt tại Việt Nam nên chúng tôi có cơ hội trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn những học sinh mong muốn sang Canada du học, đánh giá chính xác khả năng của họ cũng như các vấn đề liên quan xác thực hơn khi ở Bangkok. Vì vậy, tuy gần đây tỷ lệ “đậu” visa ít hơn trước nhưng những người được chọn hoàn toàn xứng đáng và thật sự xuất sắc. Điều chúng tôi quan tâm hàng đầu ở các ứng viên không phải là vấn đề tài chính mà là trình độ, chúng tôi chỉ chọn những người giỏi thật sự. Thông thường các quốc gia không công bố con số tỷ lệ cấp visa, tuy nhiên tôi có thể cam đoan là tỷ lệ “đậu” khoảng 30%. Riêng trong tháng 7 này, tỷ lệ xin visa thành công có thể lên đến 50%.
– Vậy để được cấp visa du học tại Canada cần hội đủ những điều kiện nào?
– Chúng tôi căn cứ trên 2 tiêu chuẩn sau để tuyển chọn:
+ Thứ nhất, học sinh, sinh viên phải đạt loại giỏi; có khả năng ngoại ngữ thích hợp khi theo học chương trình chính quy tại Canada; có quá trình học tập tốt, không gián đoạn ở Việt Nam; có chương trình học tại Canada vững chắc.
+ Thứ hai, khả năng tài chính phải được chứng minh đầy đủ và trung thực. Chúng tôi chỉ chấp nhận những tài khoản có quá trình tiết kiệm lâu dài và những giấy tờ hợp lệ, hợp pháp chứng minh thu nhập như: biên lai thuế thu nhập, đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận việc làm… Những nguồn thu từ cho vay, góp vốn không chính thức và thu nhập tự kê khai đều không được chấp nhận.
Có một lời khuyên: hãy hết sức trung thực khi chuẩn bị hồ sơ và trả lời phỏng vấn, vì chỉ cần phát hiện một yếu tố sai sự thật là chúng tôi loại bỏ hồ sơ ngay lập tức. Có nhiều người vì nghe những lời khuyên không đúng đã làm giả giấy tờ chứng minh tài chính để hy vọng đậu visa, nhưng chúng tôi có thể nói sự trung thực và khả năng học tập quan trọng hơn. Số lượng du học sinh đến Canada ngày càng đông và tôi hy vọng sẽ được chào đón thêm nhiều học sinh xuất sắc của Việt Nam đến Canada học tập.
– Tỷ lệ thành công khi xin visa du học tại Mỹ hiện nay ra sao?
Ông Dụ Trần |
– Ông Dụ Trần – Trưởng bộ phận visa không di dân của Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM: Chúng tôi chỉ có thể trả lời bằng một so sánh: so với các nước khác trong khu vực xin visa du học Mỹ thì tỷ lệ thành công của du học sinh Việt Nam cao hơn.
– Hiện nay các chương trình giao lưu văn hóa dành cho học sinh phổ thông sang Mỹ học 1 năm đang được rất nhiều phụ huynh quan tâm, nhưng dường như việc muốn học tiếp lên ĐH tại Mỹ sau đó rất khó khăn về visa?
– Về mục tiêu thì đúng như tên gọi của chương trình là giao lưu văn hóa, mà đã là giao lưu thì người đi dự còn phải về nước để phổ biến lại văn hóa mà mình đã thu thập được chứ không nên xem đó là bàn đạp để du học Mỹ. Sau khi trở về, người học có thể nộp đơn xin visa như một trường hợp mới để đi học tiếp và quy trình xét cấp visa được tiến hành bình thường như bất kỳ trường hợp nào khác.
– Nếu có một lời khuyên cho những người muốn xin visa du học Mỹ?
– Mọi hồ sơ khi nộp vào xin cấp visa chúng tôi đều xem như có ý định định cư tại Mỹ và nhiệm vụ của đương đơn là phải chứng minh ngược lại để thuyết phục viên chức lãnh sự là họ không có ý định này. Hãy chuẩn bị giấy tờ rõ ràng và nhất quán. Chuẩn bị kế hoạch học tập ở Mỹ, tốt nhất là kế hoạch đó phù hợp với các điều kiện, nhu cầu của bản thân, gia đình và đất nước để chứng minh việc sẽ quay về. Bạn có thể tham khảo thêm 10 điều cần lưu ý của chúng tôi khi nộp đơn xin visa du học.
10 điều lưu ý khi xin visa du học Hoa Kỳ 1. Các mối liên hệ với nước sở tại là những ràng buộc với quê hương, nơi cư trú: gia đình, công việc, các khoản đầu tư, kế hoạch dài hạn… tại nước sở tại để chứng minh ý định quay về hơn là ở lại Hoa Kỳ.2. Anh ngữ: Nên dự kiến trước là buổi phỏng vấn sẽ bằng tiếng Anh.3. Tự trình bày: Không nên dẫn người thân hay bạn bè theo cùng dự, ngoại trừ đương đơn theo học bậc trung học cần có cha mẹ theo trả lời một số câu hỏi, nhưng cũng nên đợi ở phòng chờ.4. Nắm rõ chương trình cụ thể tại Hoa Kỳ và mức độ phù hợp của chương trình với các dự định nghề nghiệp sau khi trở về Việt Nam.5. Trình bày ngắn gọn: Trả lời thẳng vào vấn đề và ngắn gọn.6. Các giấy tờ bổ sung: Nên chuẩn bị sao cho viên chức lãnh sự nhìn thoáng qua có thể hiểu ngay vấn đề việc xuất trình giấy tờ này nhằm chứng minh điều gì vì mỗi cuộc phỏng vấn chỉ dài từ 2 đến 3 phút.7. Không phải quốc gia nào cũng được xem xét bình đẳng: Còn tùy thuộc vào quốc gia đó có tỷ lệ sinh viên ở lại Hoa Kỳ nhiều hay ít.8. Việc làm: Mục đích chính sang Hoa Kỳ là học tập.9. Thân nhân tại quê nhà: Chuẩn bị câu trả lời họ sẽ sinh sống thế nào khi đương đơn vắng mặt.10. Giữ thái độ tích cực: Không tranh cãi, khi bị từ chối nên yêu cầu cung cấp danh sách các giấy tờ mà viên chức lãnh sự nghĩ là đương đơn nên xuất trình để làm thay đổi quyết định từ chối và một văn bản giải thích lý do bị từ chối. (Nguồn: Lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh) |
(Theo Thanh Niên)