Phát triển hệ thống xe buýt là biện pháp tốt nhất

From: Do Binh MinhTo: [email protected] Sent: Monday, March 10, 2003 6:00 AM Subject: vấn đề phát triển hệ thống xe bus trong giao thông đô thị!
Gần đây tôi có đọc bài của bạn Dang Quoc Thanh về vấn đề này. Mặc dù không phải là nhà quản lý trong lĩnh vực này, nhưng tôi cũng có một số quan điểm riêng mong được trao đổi với các bạn. Đúng là một đô thị hiện đại cần có một hệ thống giao thông hoàn chỉnh gồm nhiều loại hình giao thông, trong đó có cả giao thông cá nhân và giao thông công cộng. Như các bạn đã biết các thành phố lớn và hiện đại trên thế giới đều có hệ thống giao thông như vậy. Cũng có hai hướng phát triển khác nhau.
Một xu hướng lấy phương tiện công cộng làm chủ đạo. Xu hướng này điển hình ở Pháp và các nước XHCN trước đây. Hệ thống giao thông trong đó các phương tiện giao thông công cộng chiếm vai trò chủ yếu. Các phương tiện cá nhân chỉ được khuyến khích dùng cho việc đi lại không thường xuyên như nghỉ cuối tuần chẳng hạn. Hệ thống này có ưu điểm là phục vụ tốt cho mọi tầng lớp dân cư (cả người giầu và người nghèo); tiết kiệm cơ sở hạ tầng, vì thế phù hợp với các nước mà khả năng phát triển hạ tầng khó khăn, các nước nghèo. Nhược điểm là đòi hỏi một trình độ tổ chức vận hành cao, dễ bị đình trệ do nhiều nguyên nhân (các vụ đình công của công nhân xe buýt ở Pháp chẳng hạn), và đòi hỏi nhiều bù lỗ từ ngân sách.
Xu hướng thứ hai lấy phương tiện giao thông cá nhân làm chủ đạo. Các phương tiện công cộng chỉ đóng vai trò phụ trợ mà thôi. Xu hướng này tiêu biểu là ở các thành phố của Mỹ. Ưu điểm của hệ thống này là thoả mãn đến mức cao nhất nhu cầu đi lại cá nhân, ít bị ùn tắc do các nguyên nhân hệ thống. Nhược điểm là đòi hỏi một hệ thống hạ tầng cực kỳ phát triển, lượng tiêu thụ nhiên liệu rất lớn. Như vậy nguyên nhân của nạn ùn tắc giao thông ở nước ta hiện nay là chúng ta có một hệ thống hạ tầng hết sức yếu kém, nhưng chúng ta lại dựa vào hệ thống giao thông cá nhân là chủ yếu. Ở đây không cứ xe 4 bánh hay xe 2 bánh.
Vậy chúng ta phải làm thế nào? Chúng ta phải đi bằng cả hai chân, vẫn phải tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng vì hệ thống hạ tầng không chỉ phục vụ cho giao thông đô thị mà nó phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội toàn thành phố. Nhưng phát triển hạ tầng đòi hỏi một tiến trình lâu dài nhiều năm. Trong khi nạn tắc đường diễn ra như một căn bệnh cấp tính, vậy phải có biện pháp cấp cứu chứ. Tiếp tục hay bắt đầu xây dựng mạng lưới giao thông công cộng? Ở đây không chỉ đơn giản là ta nhập xe buýt hay xe điện về, tổ chức cho nó chạy là xong. Giao thông đô thị là giao thông hàng ngày, nó chịu ảnh hưởng của thói quen làm việc và sinh hoạt của người dân đô thị. Người dân đô thị không thể một sớm một chiều đổi cách sinh hoạt và làm việc của mình. Giả sử ngay bây giờ đột nhiên xuất hiện một hệ thống xe điện ngầm chỉ sau một đêm, tôi vẫn đi làm bằng xe máy vì công việc của tôi không cố định một chỗ, trên đường về tôi còn phải đón con, tranh thủ mua đồ ăn, đi nhậu với bạn bè… Chính vì thế phát triển hệ thống xe buýt là biện pháp tốt nhất để người dân quen dần với việc sử dụng các phương tiện công cộng.
Tóm lại chúng ta sẽ phải xây dựng một hệ thống giao thông liên hoàn gồm nhiều hình thức giao thông khác nhau như các thành phố hiện đại trên thế giới. Nhưng mọi việc phải có điểm khởi đầu của nó chứ. Xe buýt chính là điểm khởi đầu của chúng ta, chứ không phải là một biện pháp “giật gấu vá vai”.

Close [X]
1gom
1gom