Kể từ khi giành độc lập năm 1957 đến nay, Malaysia có 4 đời thủ tướng, trong đó riêng Mahathir Mohamad đã có thời gian cầm quyền bằng cả 3 người tiền nhiệm cộng lại. Sau quyết định rút lui vào ngày 31/10, chắc chắn dấu ấn của người đàn ông đầy quyền lực này sẽ khó phai mờ trong lịch sử phát triển Malaysia.
Vào thời điểm Mahathir chuẩn bị rời chính trường, người ta đã có thể nói đến một nền kinh tế hiện đại và đa dạng ở Malaysia. Những năm gần đây, quốc gia Đông Nam Á này được quốc tế chú ý đặc biệt vì đã đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á tốt hơn so với các nước láng giềng.
Giáo sư kinh tế Anne Booth thuộc Trung tâm nghiên cứu về phương Đông và châu Phi tại London phân tích: “Thành công của Malaysia là đã biết đa dạng hóa từ lúc chỉ xuất khẩu dầu cọ và cao su chuyển sang xuất khẩu hàng điện tử. Sự biến chuyển của nước này trong vòng 20 năm qua rất ấn tượng và ông Mahathir là người có công lớn trong sự biến chuyển đó”.
Mahathir Mohamad, nhà lãnh đạo hơn 2 thập kỷ qua của Malaysia được nhìn nhận như một nhân vật vừa thực tế vừa viển vông. Nhưng các chuyên gia khó tính nhất cũng phải thừa nhận, ông đã thực hiện thành công việc kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế đất nước. Thủ tướng Mahathir cũng là người được coi là có công đầu mang lại sự ổn định về chính trị, hàn gắn các chia rẽ về sắc tộc tại Malaysia.
Mahathir và Badawi. |
Thời điểm Malaysia rơi vào khó khăn khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, Thủ tướng Mahathir đã nổi tiếng khi phê phán gay gắt nhà tài phiệt George Soros và buộc tội ông này gây ra mọi chuyện. Sau đó, ông lại có động thái gây nhiều tranh cãi khi cách ly nền kinh tế bằng việc kiểm soát các nguồn vốn ngắn hạn để không cho ngoại tệ rời khỏi Malaysia. Các ý kiến chỉ trích chính sách này của Thủ tướng Mahathir chỉ dứt khi thời gian chứng minh ông đã đúng, Malaysia phục hồi nhanh chóng về tăng trưởng GDP từ năm 1998.
Bước sang tuổi 77, Thủ tướng Mahathir Mohamad quyết định rút khỏi chính trường sau 22 năm cầm quyền liên tục. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có thời gian đương nhiệm lâu nhất châu Á. Người sẽ thay thế ông Mahathir lãnh đạo Malaysia là Phó thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi. Nhiều người cho rằng, dấu ấn xuyên thế kỷ của Mahathir trong lịch sử Malaysia sẽ vừa là thuận lợi vừa là thách thức đối với ông Badawi khi tiếp nhận quyền lực.
Những năm tháng đáng nhớ trong sự nghiệp của Mahathir Mohammed |
20/12/1925 – Sinh tại Alor Setar, phía bắc Malaysia, trong một gia đình có cha là giáo viên. Mahathir theo học ngành y tại Singapore. 1946 – Gia nhập và trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO). UMNO là lượng thống trị trong liên minh cầm quyền ở Malaysia kể từ khi nước này giành được độc lập từ tay người Anh năm 1957. 1957 – Mở một phòng mạch tư ở Alor Setar, bang Kedah và lập gia đình với một đồng nghiệp là Siti Hasmah Ali. Hai người có 4 người con trai và 3 con gái. 1964 – Được bầu làm nghị sĩ ngay trong cuộc chạy đua tranh cử lần đầu tiên. 1969 – Mất ghế trong Quốc hội và bị đưa ra khỏi Đảng UMNO vì chỉ trích các chính sách của Thủ tướng khi đó là Tunku Abdul Rahman. Cùng năm này xảy ra cuộc xung đột sắc tộc tại Kuala Lumpur làm hàng trăm người chết, trong đó chủ yếu là người Hoa. 1970 – Cuốn sách “Thế khó của Mã Lai” (The Malay Dilemma) do Mahathir viết được xuất bản tại Singapore. Trong suốt thập kỷ 70, cuốn sách này bị cấm lưu hành tại Malaysia. Tác phẩm đã thể hiện rõ Mahathir là một chính trị gia cứng rắn, luôn chỉ trích phương Tây và bảo vệ quyền lợi dân tộc của người Mã Lai. Cùng năm này, Thủ tướng Tunku Abdul Rahman nghỉ hưu, dọn đường cho sự trở lại Đảng UMNO của Mahathir. 1974 – Được bầu lại vào Quốc hội và Mahathir được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục. Đến năm 1976 ông trở thành Phó thủ tướng. 16/7/1981 – Được bầu làm Chủ tịch Đảng UMNO. Cùng năm này ông đã tuyên thệ và trở thành Thủ tướng thứ tư của Malaysia sau khi ông Hussein Onn từ chức vì vấn đề sức khoẻ. 1985 – Lấy cảm hứng từ Nhật Bản, Mahathir bắt đầu chính sách xây dựng nền công nghiệp thay thế cho nhập khẩu. Ông đặc biệt chú trọng đến sự phát triển của các ngành công nghệ cao và đây là nền tảng để biến Malaysia trở thành quốc gia xuất khẩu điện tử đứng hàng thứ 17 trên thế giới. 1987 – Mahathir dành chiến thắng sít sao trong cuộc bỏ phiếu kín của ban lãnh đạo Đảng UMNO. Nhưng nhóm đối lập yêu cầu huỷ bỏ kết quả này gây ra sóng gió trong chính trường Malaysia. Ngay lập tức Mahathir tiến hành xây dựng Đảng UMNO mới và cấm cửa những nhân vật đối lập ông tham gia. Ngoài ra, Mahathir còn cho bắt hơn 100 nhân vật chống đối, đóng cửa 4 tờ báo. 24/1/1989 – Trải qua một cuộc phẫu thuật về tim mạch. 9/1998 – Sau hơn một năm buộc tội những “kẻ đầu cơ lừa đảo” người phương Tây là nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế ở châu Á, Mahathir tuyên bố kiểm soát hoàn toàn các nguồn vốn, bác bỏ lời khuyên của IMF. Cùng thời gian này, Mahathir cách chức người phó của mình là Anwar Ibrahim. Ông này sau đó đã bị bắt và kết án 15 năm tù vì tội tham nhũng. Vụ Anwar đã gây ra làn sóng chống chính phủ kéo dài trong vài năm. 11/1999 – Liên minh của Mahathir giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Trên lĩnh vực kinh tế, chính sách của Mahathir đã giúp Malaysia ít bị ảnh hưởng vì khủng hoảng so với các nước láng giềng và cuối cùng IMF cũng đã phải công nhận điều này. 9/2001 – Mahathir bày tỏ lời chia buồn sâu sắc đối với các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9 tại New York và Washington. Ông cho thi hành chính sách truy quét triệt để các nghi phạm khủng bố trên lãnh thổ Malaysia. Nhưng Mahathir có quan điểm phản đối mạnh mẽ cuộc chiến Afghanistan và Iraq do Mỹ phát động. 22/6/2002 – Mahathir khiến cả nước Malaysia sững sờ khi tuyên bố nghỉ hưu. Ngay sau đó, ông đã rút lại quyết định từ chức vì ban lãnh đạo UMNO đã đề nghị ông ở lại và ông đồng ý nắm quyền thêm 16 tháng như một sự chuyển tiếp. 16/10/2003 – Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh các nước Hồi giáo, Mahathir lên án kịch liệt những người Do Thái. Sự kiện này đã gây ra làn sóng phản đối từ phía Mỹ, EU, một số nước khác và các tổ chức của người Do Thái. |
Đình Chính