Để làm bánh củ cải, phải ngâm gạo từ tối hôm trước cho mềm, sáng hôm sau xay thành bột. Cùng lúc, người nội trợ đã mua đủ các vật liệu: củ cải trắng, tôm khô, lạc, dừa khô, rau cần, mỡ, muối và đường cát. Tất cả, dùng nhiều hay ít tuỳ gia đình, nhưng củ cải trắng phải có ngang bằng lượng bột, tôm khô và rau cần tàu cũng suýt soát như nhau. Đã có vật liệu, người ta ngâm tôm, lạc bóc vỏ lụa, để ráo. Dừa nạo vắt lấy nước cốt. Rau cần tàu cắt bỏ gốc rễ. Củ cải rửa sạch bào thành sợi nhỏ trên một cái bàn bào làm bằng thiếc đục rất nhiều lỗ nhỏ.
Tất cả cho vào một chảo to nhồi trộn thật đều rồi bắc lên bếp lửa. Dùng đũa cả quậy đều tay theo chiều kim đồng hồ cho đến khi thấy nặng tay, hỗn hợp quyện lại thì dùng vợt vớt ra từng xửng đã thoa sẵn mỡ. Rắc thêm một lớp tôm khô, rau cần tàu xắt khúc lên mặt xửng đã khoả bằng mặt hỗn hợp trên. Cho xửng vào nồi hấp cách thuỷ. Khi dùng đũa xom không dính bột là bánh đã chín.
Để bánh nguội, xắt từng miếng hình thoi sắp trong đĩa đem cúng. Bánh củ cải làm để cúng vào ngày 24 tháng chạp âm lịch – đó là ngày người Triều Châu đưa ông Táo về trời, không như người Việt Nam tiễn táo quân về thiên đình ngày 23 tháng chạp âm lịch. Bánh cúng xong “nguội ngắt”, nhưng chính vì thế mà ngon. Trong bánh có đủ vị ngọt, mặn, béo, bùi lại nồng thơm đầy hấp dẫn của mùi rau cần tàu. Nếu để “nguội” hơn nữa, vào ngày hôm sau, bánh vẫn giữ được hương vị đặc trưng của mình mà còn tạo cảm giác lạ lùng vì những tiếng nhai sần sật do vỏ bánh “chai” lại tạo ra trong miệng. Ngoài loại bánh mặn như trên, người ta còn làm bánh củ cải phục vụ những người ăn chay bằng cách không dùng tôm khô, mà thay bằng một lượng đường cát trắng vừa đủ ngọt.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)