Bìa cuốn Giàn thiêu. |
– Thật khó hình dung về nỗ lực của một nhà văn nữ trước một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Để dựng lên “Giàn thiêu”, chị đã phải huy động kiến thức lịch sử như thế nào?
– Trong nhà tôi, món đáng giá nhất là sách. Từ khi ra trường đến nay, tôi tìm mua rất nhiều sách, đặc biệt là về lịch sử, phong tục, văn hóa… và những sách công cụ. Tôi cạn sạch túi sau mỗi lần vào hàng sách, nên có lúc đi qua chỉ dám “liếc mắt đưa tình” mà không dám vào. Tôi đã đọc rất nhiều, để nhớ rồi để quên, và rồi để nghi ngờ, kiểm tra, tra cứu, đối chiếu lại kiến thức của mình trong các trang viết.
– Chọn những nhân vật chứa đựng nhiều mâu thuẫn, đó là cách để chị tìm kiếm kịch tính cho cuốn tiểu thuyết hay là để chị bày tỏ thái độ công dân của một người cầm bút, muốn lý giải lịch sử cho đến ngọn nguồn và điều đó sẽ có ích cho cuộc sống hiện tại?
– Tôi không định tìm kiếm kịch tính, cũng không lý giải lịch sử đến ngọn nguồn. Tôi chỉ viết về những nhân vật ám ảnh mình, để tôi có thể chia sẻ gửi gắm đôi điều qua họ. Chính các nhân vật phức tạp đó chọn tôi, và trong khi đuổi theo họ, cái gì phải đến sẽ đến. Xuân thì hoa nở, và mùa thu thì sẽ có heo may. Trách nhiệm của người viết là không né tránh sự thực, phải “tới bến”, cũng không được để bạn đọc buồn ngủ và nói “biết rồi, khổ lắm”.
– Viết “Giàn thiêu”, thông điệp chính của chị gửi đến độc giả là gì?
– Một trong những thông điệp của Giàn thiêu: Dựng giàn thiêu người trên đảo Âm Hồn, đốt sách mổ bụng moi gan người dưới đoạn đầu đài, hay bất cứ cực hình nào đó cũng không thiêu hủy được sự thật, khát vọng tự do và công lý. Mưa xuống, không phải do những đàn tràng cầu mưa đồ sộ và rỗng tuếch, mà đến, có khi chỉ bởi một người đàn bà biết yêu.
– Cách lý giải lịch sử của chị có phần dữ dội khi đi vào những tham vọng trần tục của những con người đã trở thành hình mẫu lý tưởng như Từ Đạo Hạnh, Linh nhân Thái hậu Ỷ Lan… Chị nghĩ sao khi mình gây shock cho độc giả?
– Không ai bị bắt buộc phải trở thành thánh. Những nhân vật của tôi cũng vậy, tôi không có quyền buộc họ trở thành những viên ngọc không vết. Từ mấy trăm năm trước, chính sử đã công bằng rồi, vậy thì tôi, một con thiêu thân hậu sinh – làm sao dám ngạo ngược thiếu công bằng?
– Để thực sự kéo được độc giả – nhất là bạn đọc trẻ – về với loại sách không dễ đọc là tiểu thuyết lịch sử, phải làm thế nào để hấp dẫn được lớp hậu thế?
– Nếu chỉ kể lại một câu chuyện lịch sử theo kiểu một chiều, minh họa hay định đề, tôi nghĩ rằng có nhiều người làm việc đó tốt hơn nhà văn. Và ngay cả những nhà chép sử cũng đã nhồi vào dòng chữ của họ chút đam mê, những khuynh hướng. Tôi nghĩ rằng hậu thế phải được hưởng thụ lịch sử qua tâm hồn, kiến thức và khóe mắt của nhà văn. Tôi không làm cái việc “đông lạnh lịch sử”, hay tiếp tục tán tụng những “xác ướp cổ đại”, mà muốn chế tác một “chiếc nhẫn đa diện” trên những cứ liệu lịch sử và trân trọng đặt vào tay độc giả.
– Có bạn đọc cho rằng “Giàn thiêu” phảng phất không khí của “Đàn hương hình” (Mạc Ngôn), chị nghĩ sao?
– Văn học “nội” được ảnh hưởng bởi tác phẩm của những nhà văn lớn thì đó là điều rất may mắn. Không chỉ Mạc Ngôn, tôi còn thấy rất hạnh phúc vì được ảnh hưởng bởi tác phẩm của nhiều nhà văn khác. Cách kể chuyện lịch sử của Mạc Ngôn rất thoáng, không lệ thuộc. Ông coi lịch sử như một sân khấu ba chiều.
Nếu nói rằng Giàn thiêu phảng phất không khí của Đàn hương hình, với tôi, đó là một lời khen tặng.
– Chị còn dự định nào đối với sự nghiệp viết của mình?
– Tôi đang viết tiểu thuyết. Thơ thì chưa muốn in thành tập. Tôi không bỏ rơi truyện ngắn, chỉ là khi “đang xay thóc thì không thể bế em”.
(Theo Người Lao Động)