Lễ Ramadan ở Baghdad

bg
Một cậu bé Iraq cầu nguyện tại một đền thờ ở Baghdad trong tháng lễ Ramadan.

Đại đa số người Iraq đang sống trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt. Người dân của quốc gia dầu lửa này phụ thuộc vào khẩu phần của chính phủ cấp, gồm bột mì, gạo, đường và chè. Tuy nhiên, nhờ lệnh cấm vận ngày càng nới lỏng, thị trường Baghdad đã không còn quá khan hiếm hàng hóa như trước kia. Ngoài chợ đầy quả chà là, hạnh nhân và các món đồ ngọt, tạo nên một Ramadan truyền thống, không khác gì ở các nước Ảrập khác trên thế giới.
Dân nghèo phải sống chật vật, nhưng một số người có chút tiền dư dả đang hưởng thụ kỳ nghỉ của người Hồi. Trước khoảng thời gian của iffta – bữa cuối cùng trong mỗi ngày ăn kiêng, các cửa hàng bánh kẹo nổi tiếng ở Baghdad chật ních. Người ta ăn mặc đẹp và xếp hàng để vào những nhà hàng sang trọng, nơi bán các món đặc sản như cá chép sông Tigris, thịt nướng và oliu dầm. Giá mỗi bữa ăn cho một gia đình 4 người khoảng 12 USD, ngang với tiền lương một năm của giáo viên ở thủ đô Baghdad.
Một số người Iraq hiện sống như thể không còn có ngày mai, bởi họ đang bị ám ảnh bởi thuyết định mệnh một cách sâu sắc hơn bao giờ hết. Đoàn thanh sát vũ khí của LHQ đã trở lại sau 4 năm gián đoạn. Nhưng người Iraq hiểu rằng, điều này chỉ làm trì hoãn chứ không ngăn chặn được chiến tranh.
Bất chấp đã từng nhiều năm chống Mỹ, bất chấp nguy cơ phải hứng chịu một cuộc chiến tranh với Mỹ, nhiều người Baghdad vẫn thân thiện chào đón những phóng viên Mỹ tới đây. Người dân Iraq cho rằng xung đột hiện nay không liên quan tới họ, mà đó là chuyện của giới lãnh đạo. Tranh cãi với Mỹ nghĩa là với chính phủ ở Washington chứ không phải với nhân dân Mỹ. Ngay cả các quan chức chính phủ cũng có quan điểm này. Nhân viên Bộ Thông tin Iraq đối xử với các nhà báo Mỹ nồng nhiệt như thể Baghdad và Washington là đồng minh chứ không phải kẻ thù.
Qua những câu chuyện trong lúc trà dư tửu hậu, người ta không thể nhận xét – như những người hoạch định chiến tranh trong Nhà Trắng mong muốn – rằng người Iraq ghét tổng thống Saddam và thích người Mỹ xâm lược. Tại đất nước này, thực ra cũng có người coi Mỹ là thiên đường của tự do và giàu có. Nhưng dân Iraq cũng nhanh chóng xác định được cảm xúc của mình. Họ nhớ thời đau buồn khi bị Anh biến thành thuộc địa, họ vẫn thấy và căm ghét sự trợ giúp dai dẳng của Mỹ dành cho Israel.
Yasser Thamer, sinh viên kỹ thuật 21 tuổi, khẳng định Mỹ muốn tấn công Iraq là để kiểm soát nguồn dầu lửa dồi dào của nước này, bởi “Iraq có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới”.
T. Huyền (theo Time) 

1gom